MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuốc lá, thuốc lá điện tử đều gây hại đến con người. Ảnh đồ họa: Hương Giang

Người dân được quyền sống trong môi trường trong lành, không khói thuốc lá

Thùy Linh LDO | 29/09/2020 18:06
Các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống.

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trước tình trạng thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến và có xu hướng "đánh" vào giới trẻ, nhằm tạo ra thế hệ người nghiện thuốc lá mới, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Theo ông Quang, các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma túy, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ…

“Người dân được quyền sống trong môi trường trong lành, không chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ, bỏng, chấn thương, gãy xương.

Dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…

Tính đến tháng 10, trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm thuốc lá điện tử; 56 quốc gia cho phép bán thuốc lá điện tử nhưng có các quy định, hạn chế về việc bán; 30 quốc gia quy định hàm lượng nicotine (hay các hàm lượng chất khác) trong thuốc lá điện tử.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin thêm, hiện nay, quy mô của thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới còn ít, không đáng kể (2,6%) và chưa sản xuất trong nước. Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.

Trong khi đó, xu hướng cấm mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của các nước cũng đang gia tăng. Để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và tránh phải giải quyết những hậu quả tương tự như một số quốc gia, Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM lên tới 7%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn