MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: VGP

Người dân vừa đi từ Đà Nẵng về cần làm gì?

Thùy Linh LDO | 28/07/2020 10:59

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới được ghi nhận do lây nhiễm cộng đồng, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Nhiều người dân đã rời khỏi Đà Nẵng trong những ngày gần đây, canh cánh nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh. Vậy người dân cần phải làm gì?

Thực hiện khai báo y tế, cách ly tại nhà

Chia sẻ nhận định về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng: "Một khi đã có ca mắc COVID-19 thì kể cả một ca cũng được coi là ổ dịch".

Vì vậy, các bệnh viện ở Đà Nẵng vừa có ca mắc chính là ổ dịch, cần phải xử lý triệt để. Đáng chú ý, những người có tiếp xúc gần ca mắc COVID-19 hoặc diện F2, có liên quan khối bệnh viện trên tại Đà Nẵng, phải cách ly và tiến hành xét nghiệm. Những người khác phải khai báo y tế, cách ly tại nhà.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo quốc gia chưa có thông báo cần thực hiện cách ly đối với người trở về từ Đà Nẵng. Trước mắt, người dân chỉ cần theo dõi sức khỏe và đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Ngoài ra, người dân không nên quá lo lắng mà ồ ạt ra sân bay. Những người đã đi du lịch cùng nhau thì nhóm nào sinh hoạt theo nhóm đó. Việc nhiều người đến sân bay cùng lúc có thể gây quá tải, dẫn đến công tác phòng chống dịch COVID-19 ở đây khó khăn hơn nếu có ca lây nhiễm.

Các tỉnh, thành phố cần phải làm gì?

Theo PGS Trần Đắc Phu, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh, thành phố cần tăng cường lấy mẫu những người có dấu hiệu sốt, viêm phổi.

"Phát hiện sớm rất quan trọng. Chúng ta tìm được ổ dịch ở đâu thì khoanh vùng luôn ở đó. Ví dụ, chúng ta phát hiện ca bệnh ở một địa phương nào đó, có 2 khả năng xảy ra, hoặc lây nhiễm từ Đà Nẵng, hoặc địa phương này cũng là ổ dịch khởi phát, song song Đà Nẵng. Do đó, các địa phương cần hết sức lưu ý"- ông Phu phân tích. 

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Đà Nẵng nói riêng cũng như trên phạm vi cả nước nói chung, ông Phu cho rằng Ban chỉ đạo Quốc gia sẽ căn cứ vào diễn biến dịch từng ngày để đánh giá. Người dân cũng căn cứ vào các quyết định này để thực hiện. Nếu điều tra dịch tễ của Đà Nẵng phức tạp, chúng ta phải nâng cấp độ chống dịch, không phức tạp thì giữ vững.

PGS Trần Đắc Phu cho hay ngày 26.7, Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội, chưa phong tỏa như các thành phố ở châu Âu. Nếu tình hình phức tạp hơn, nhiều ca cộng đồng phải phong tỏa như châu Âu. Hiện, các ca mắc mới ghi nhận trong bệnh viện, nên cơ quan chức năng thực hiện phong tỏa các cơ sở y tế này.

Trong bối cảnh hiện tại, người dân cả nước phải tăng cường chống dịch. Các địa phương phải căn cứ vào tình hình dịch tễ của mình để thực hiện các biện pháp chống dịch, nhất là những nơi phát triển du lịch. Mục đích là để phòng dịch không xảy ra tình trạng như Đà Nẵng.

Chúng ta không nên chỉ chú trọng vào Đà Nẵng. Bởi các tỉnh, thành khác cũng có khách du lịch, nhập cảnh trái phép và yếu tố nguy cơ tương tự Đà Nẵng. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở các nơi là như nhau. Ngoài ra, các địa phương có người đi về từ Đà Nẵng cũng cần tăng cường để phòng lây nhiễm.

Liên quan đến những người dân từng đến Đà Nẵng, Bộ Y tế dự kiến đề xuất, với những người từ Đà Nẵng về các địa phương từ ngày 1.7.2020 phải thông báo với chính quyền, khai báo y tế để theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

Với người từng tới các địa điểm được nêu trong các thông báo khẩn số 15 và số 16 của Bộ Y tế, sẽ phải tự cách ly tại nhà và được lấy mẫu để làm xét nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn