MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Triệu Thị Liên hạnh phúc đón chờ hai con. Ảnh: Thanh Bình

Người mẹ chấp nhận mọi điều trị để giữ song thai có sau 10 năm

Thanh Bình LDO | 28/05/2020 14:04

Con gái người Dao đỏ lấy chồng sớm, làm mẹ sớm là chuyện thường tình, thế nhưng với chị Triệu Thị Liên (Yên Bái), dường như nhiệm vụ hoàn thành thiên chức người mẹ lại là một thử thách lớn. 4 năm sau ngày cưới, chị Liên mới có thai, thế nhưng, niềm vui lại ngắn ngủi, thai nằm ngoài tử cung.

Cả đời làm nương lấy đâu ra tiền tìm con

Sau sự cố buồn ấy, vợ chồng chị càng khao khát được làm cha mẹ. Thế nhưng, số tiền gần trăm triệu đồng cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm lại vượt ngoài sức tưởng tượng của những người cả đời chỉ gắn bó với nương rẫy như anh chị.

Thuốc thang triền miên không tác dụng, năm 2016, vợ chồng chị Liên tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Các bác sĩ cho biết Liên bị tắc vòi trứng. Do không đủ chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm, hai vợ chồng Liên sau khi trở về quê, đã nhận một bé gái mới sinh về làm con nuôi. 

"7 năm lấy nhau, chữa trị thuốc thang cũng tốn bao nhiêu tiền, em không muốn cố gắng nữa, và mình cũng không có khả năng, nhưng chồng em bảo, mình đã đi được với nhau bảy năm rồi, tại sao không cố gắng”, Liên tâm sự. 

Thế rồi, họ lên kế hoạch mỗi năm cố gắng dành dụm 10 triệu đồng để 10 năm sau có thể đủ số tiền cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chưa biết phải thực hiện kế hoạch ấy như thế nào thì niềm vui bất ngờ đến, khi vợ chồng Liên cùng 9 cặp vợ chồng khác được nhận suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của bệnh viện.

Sau khi hồ sơ được thông qua, Liên quyết định thực hiện ngay quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chuyển phôi sau 6 ngày, chị đã có tin vui. 

Niềm vui chưa trọn vẹn, khi nỗi lo lắng lại nối tiếp suốt trong những ngày dài. 17 ngày sau chuyển phôi, Liên đã nghén nặng, nôn ra máu, không uống được cả một giọt nước. Thậm chí có lúc Liên phải thở ôxy. Gia đình đã bàn bạc nên bỏ đi một bé nhưng Liên từ chối. Quyết định nếu lỡ phải bỏ con đối với một người mẹ, là quyết định khó khăn nhất và không bao giờ muốn.

“Em không thể bỏ con nào được. Cả 2 con đều đã có duyên đến với em thì khó khăn đến mấy em cũng sẽ giữ con”, Liên rớt nước mắt nói. 

Bác sĩ Hiền nói về trường hợp của chị Liên. Ảnh: Thanh Bình

Sụt 15 kg suốt quá trình mang thai

Nhiều ngày phải nằm viện liên tiếp để truyền dịch, tiêm thuốc giảm nghén, Liên còn mắc thêm bệnh cường giáp do thai nghén, phải sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Liên sụt 15 kg trong suốt quá trình mang thai nhưng vẫn kiên trì đến cùng, 

Song thai đã được 36 tuần, Liên đang chuẩn bị các thủ tục trở về Yên Bái để sinh hạ hai thiên thần nhỏ. "Hai cháu đã nặng hơn 2,2 kg. Dù em nghén sụt nhiều cân nhưng con phát triển vẫn rất khỏe mạnh, em mừng lắm"- Liên chia sẻ niềm vui.  

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, với sản phụ Triệu Thị Liên, không khó để can thiệp về y học, nhưng là trường hợp rất khó khăn về kinh tế, nếu không hỗ trợ, Liên có thể không đủ chi phí trong suốt quá trình mang thai, bệnh viện phải cân nhắc vì phải hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho Liên trong suốt quá trình mang thai và điều trị tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Hiền, tỷ lệ làm IVF thành công tại bệnh viện đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Bệnh viện đã can thiệp được nhiều ca khó như bố mẹ mang gen bệnh lý như tan máu bẩm sinh, teo cơ tủy, người chồng tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không có tinh trùng; Sản phụ tắc vòi trứng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn