MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Lao Động

Nguồn lây nhiễm của bệnh nhân COVID-19 Hà Nam từ đâu?

Thùy Linh LDO | 30/04/2021 14:28

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho biết, bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nam được phát hiện dương tính sau khi trở về từ khu cách ly. Vấn đề này cần phải xem xét nhiều yếu tố, chưa thể kết luận nguyên nhân do đâu.

Theo phân tích của PGS Phu, có thể có 3 khả năng.

Thứ nhất, có thể bệnh nhân này lây nhiễm COVID-19 ngay trong khu cách ly, tuy nhiên đến khi rời khỏi khu cách ly mới phát bệnh.

Thứ hai, một số trường hợp mắc COVID-19 có ủ bệnh không ấn định hoàn toàn 14 ngày mà có thể hơn 14 ngày.

Thứ ba, cần kiểm tra lại lần xét nghiệm cuối cùng của bệnh nhân này tại khu cách ly là ngày thứ bao nhiêu, có đúng là ngày thứ 14 không. Bệnh nhân này sau khi hoàn thành cách ly, ba ngày sau khi về nhà mới bắt đầu biểu hiện ho, sốt.

Ngoài ra, theo PGS Phu, khi hoàn tất thời gian cách ly tập trung, bệnh nhân di chuyển về nhà và tiếp xúc nhiều người. "Có thể trong quá trình di chuyển bệnh nhân bị lây nhiễm. Cũng có thể bệnh nhân bị lây ở cộng đồng, mà không thể xác định được nguồn lây là ở đâu", ông Phu nói.

Cố vấn Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng cho rằng chưa thể kết luận bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày. Việc này cần điều tra dịch tễ cụ thể mới có thể đưa ra những kết luận chinh xác.

Hiện tại, quy định thời gian cách ly tập trung của Bộ Y tế 14 ngày về cơ bản là đảm bảo an toàn. Sau 14 ngày xét nghiệm 3 lần âm tính, bệnh nhân về nhà phải theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc không cần thiết.

"Vấn đề xác định nguồn lây cũng là rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. Song, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh lây lan. Tiếp đến là phải khẳng định trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp", ông Phu nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, nhận định bệnh nhân 2899 có thể bị lây trong khu cách ly bởi địa điểm này đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong thời gian bệnh nhân cách ly, hoặc cũng có thể bệnh nhân nhiễm virus từ Nhật Bản nhưng khi đó xét nghiệm chưa phát hiện được.

Đồng quan điểm với PGS Phu, bác sĩ Khanh cũng cho rằng cần phải làm rõ lại thời gian xét nghiệm lần cuối cùng của "bệnh nhân 2899" tại khu cách ly Đà Nẵng để làm rõ hai khả năng này. Về giả thiết bệnh nhân bị lây nhiễm trên xe khách trở về nhà hoặc lây tại Hà Nam, bác sĩ Khanh cho biết cần thêm bằng chứng để chứng minh.

Trước đó, tối 29.4, Bộ Y tế công bố các ca bệnh: BN2899, BN2901, BN2903, BN2908-BN2909 (là các ca trong 1 gia đình tại Hà Nam) và BN2910 (tại thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân BN2899 từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng ngày 07.4.2021, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.

Ngày 22.4 bệnh nhân hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, được về cách ly tại địa phương. Ngày 24.4 có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 5 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, 1 bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Sáng 30.4, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm 2 F1 và 1 F2 của bệnh nhân 2899 dương tính với SARS-CoV-2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn