MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Trịnh Đình Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

"Nha học đường" có nguy cơ đi vào ngõ cụt

Thùy Linh LDO | 30/11/2018 11:18

Sau nhiều năm triển khai, chương trình Nha học đường đang đi vào "ngõ cụt" với rất nhiều khó khăn, nguy cơ không thể tiếp tục được triển khai rộng rãi tại các địa phương. 

Trong 2 ngày 29- 30.11, gần 300 đại biểu là chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo của các bệnh viện, các bác sĩ nha khoa và các y sĩ chuyên trách mảng nha học đường, y tế học đường tại một số trường học đại diện cho một số tỉnh thành trong cả nước tới tham dự Hội nghị giao ban ngành Răng Hàm Mặt và tổng kết nha học đường toàn quốc năm 2018 do BV Răng Hàm Mặt TƯ Hà Nội và BV Răng Hàm Mặt TƯ TP HCM tổ chức. 

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải- Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, những năm qua, ngành răng hàm mặt cả nước đã nỗ lực phấn đấu và đạt được các thành tích rất phấn khởi. Mạng lưới răng hàm mặt được mở rộng và nâng cấp, người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ khám chữa về răng hàm mặt.

Chương trình nha học đường cũng nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Y tế, đây là một trong các chương trình mục tiêu Quốc gia cần thiết, hướng tới thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Nha học đường để củng cố và phát triển chương trình trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

"Tuy nhiên, chương trình Nha học đường gặp phải một số khó khăn mà qua nhiều kỳ hội nghị vẫn còn chưa có hướng tiếp cận thỏa đáng như mạng lưới răng hàm mặt ở tuyến huyện còn yếu, khoa răng hàm mặt ở tuyến tỉnh một số nơi còn chậm phát triển, chương trình nha học đường chưa được quan tâm thỏa đáng, đặc biệt không có cán bộ chuyên trách về nha học đường... Với các khó khăn mà nhiều cơ sở nha học đường đã phải ngừng hoạt động, hàng triệu trẻ em không được chăm sóc răng miệng"- GS Hải nhấn mạnh. 

Báo cáo kết quả Nha học đường 2018, Th.BS Nguyễn Đăng Nhỡn- Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV RHM TƯ Hà Nội cho biết: Chương trình Nha học đường đang gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Kinh phí cho Nha học đường còn thấp, thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao không được cung cấp đầy đủ. Cán bộ nha học đường còn kiêm nhiệm nhiều, chưa được đào tạo về chuyên môn Nha học đường, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành RHM. 

Hơn nữa, theo quy định của Luật khám chữa bệnh hiện hành, với chức danh điều dưỡng, cán bộ NHĐ được đào tạo 3 tháng không được khám chữa bệnh và làm thủ thuật trên người bệnh. Vì thế các cán bộ NHĐ không được can thiệp điều trị dự phòng lâm sàng sâu răng. 

Đồng thời, sự e ngại từ phụ huynh học sinh, không muốn con em họ được điều trị nha khoa tại trường học do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm, trình độ chuyên môn của cán bộ nha học đường...

Tại Hội nghị giao ban ngành răng hàm mặt - Tổng kết chương trình nha học đường lần này, các chuyên gia sẽ trao đổi, chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải pháp trong quản lý ngành răng hàm mặt toàn quốc, đặc biệt là chương trình Nha học đường, giúp Bộ Y tế có được những hoạch định, chính sách và chương trình hành động trong thời gian tới sao cho sát thực tiễn để phát triển ngành răng hàm mặt lên tầm cao mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn