MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết bị y tế được sử dụng điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện. Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhập khẩu thiết bị y tế: Lo ngại hết 2024 không xử lý hết hồ sơ tồn đọng

Thùy Linh LDO | 16/03/2023 11:44

Doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế lo ngại hết 2024 không xử lý hết hồ sơ nhập khẩu đang tồn đọng do số lượng hồ sơ đang quá lớn.

Việc ngừng cung cấp nhiều sản phẩm có thể lặp lại nếu không xử lý kịp hồ sơ tồn đọng

Sau hơn 10 ngày, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã dần được tháo gỡ, các bệnh viện đang trong quá trình triển khai việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh. 

Nhận định về những tác động của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ trong việc gỡ vướng nhập khẩu trang thiết bị y tế, thuốc, đại diện Công ty cổ phần y tế Đức Minh chia sẻ với phóng viên Lao Động: "Từ phía doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn về việc thiếu hụt nguồn cung ứng sinh phẩm – hóa chất – vật tư y tế, vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế cho các hệ thống máy đặt, máy mượn, quy định 3 báo giá có nhiều khó khăn cho các đơn vị khi một số sản phẩm đặc thù có ít hơn 2 đơn vị cung cấp". 

Hơn thế nữa, các quy định mới đã cho phép các đơn vị được xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị sẽ giúp cho các bệnh viện lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn. 

Theo đại diện của công ty này: "Với việc ban hành các Nghị định 07 và Nghị quyết 30 – việc nhập khẩu các trang thiết bị y tế mà giấy phép hết hạn vào 31.12.2022 được mở trở lại, giúp cho việc nhập khẩu và cung ứng hàng hóa y tế được lưu thông và ổn định, giúp chúng tôi đảm bảo cung ứng đúng và đủ cho hợp đồng thầu. 

Đồng thời, Nghị quyết 30 cũng đã tháo gỡ khó khăn hơn một năm qua liên quan đến việc thanh toán các xét nghiệm thực hiện trên các hệ thống các máy đặt mà chúng tôi đã cung cấp cho các bệnh viện theo các hợp đồng trúng thầu trước đó". 

Nói về các khó khăn vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ hiện nay, đại diện công ty này cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 cho phép gia hạn các giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế hết hạn đến 31.12.2024.

"Tuy nhiên với số lượng hồ sơ hiện nay còn tồn đọng rất lớn thì chúng tôi rất quan ngại đến hết thời hạn đó, Bộ Y tế có thể chưa xử lý hết hồ sơ. Như vậy, việc ngừng cung cấp nhiều sản phẩm có thể lặp lại, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định trong hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện"- đại diện này nói. 

"Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ tăng cường nhân lực xử lý hồ sơ để đảm bảo tiến độ và thời hạn hiệu lực của Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành"- đại diện này nói. 

Các vấn đề doanh nghiệp còn thấy vướng mắc

Liên quan đến các vấn đề khó khăn trong nhập khẩu, kinh doanh thuốc, trang thiết bị hiện nay tại Việt Nam, đại diện Công ty cổ phần y tế Đức Minh cũng cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành các hướng dẫn thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp mới có thể căn cứ vào đó để làm đúng. 

Các chủ đầu tư cũng cần kịp thời đăng tải thông tin trúng thầu lên các mạng theo đúng quy định.

Theo ông, trong 1 năm qua, có rất ít gói thầu mua sắm được thực hiện. "Vậy Bộ Y tế có hướng dẫn như thế nào với quy định: Giá trúng thầu của gói mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian gần nhất, tối đa không quá 120 ngày”- đại diện công ty đặt câu hỏi. 

Hơn nữa, hiện cũng chưa có hướng dẫn về thực hiện đấu thầu với các sản phẩm mới không có trong danh mục.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các sản phẩm phân loại theo nguy cơ A, B, C, D để các công ty căn cứ theo danh mục đó thực hiện phân loại, thực hiện hậu kiểm nhằm đảm bảo công bằng cạnh tranh trong kinh doanh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn