MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều bác sĩ vì chữ "yêu" mà ở lại y tế công

Kim Nhung LDO | 01/09/2022 12:49

Thu nhập không tương xứng vẫn là nỗi trăn trở của biết bao sinh viên, y bác sĩ ngành y. Nhiều người vì kế sinh nhai phải tạm gác giấc mơ nghề nghiệp cao quý để kiếm tìm cơ hội khác. Nhiều người chỉ vì chữ “yêu” mà ở lại, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. 

Muôn vàn nỗi lo về thu nhập

Nhắc về mức thu nhập sau khi ra trường, Hồng Vân - sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng không khỏi lo lắng khi biết lương khởi điểm của mình sau 6 năm học tập tại trường và thêm 18 tháng học chứng chỉ hành nghề không bằng bố mẹ làm công nhân.

“Bố mẹ mình đều làm công nhân, ngày làm 8 tiếng, tuần làm 6 buổi, bao ăn trưa. Mức lương cơ bản của bố mẹ mình rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, chưa kể trợ cấp tăng ca. Trong khi nhiều bác sĩ phải làm việc tới 7 ngày/tuần, trực tối từ 2-3 buổi, ăn uống ngủ nghỉ vội vàng, không có thời gian chăm lo cho bản thân, gia đình.

Bác sĩ còn là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp với sức khoẻ và tính mạng người bệnh. Chưa kể ở những khoa Truyền nhiễm ẩn chứa nhiều nguồn bệnh nguy hiểm, hay tại khoa Chấn thương, Cấp cứu thì không hiếm người nhà bệnh nhân sốt sắng mà manh động.

Vậy sao mà thoả đáng khi mức thu nhập khởi điểm của y bác sĩ chỉ bằng, thậm chí thấp hơn lương công nhân"- cô sinh viên năm cuối Đại học Y Dược Hải Phòng trăn trở. 

Cũng theo Hồng Vân, ở thời điểm hiện tại cô chưa lập gia đình nên còn nhiều điều chưa trải, chưa thể đề cập. Thế nhưng nhìn vào gương bố mẹ, thì từ vấn đề con cái, người thân, bạn bè đồng nghiệp… nếu không có thu nhập ổn định thì rất khó để cân bằng. 

Cùng quan điểm với Hoài Anh, Trường Giang - sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình - cho rằng lương bác sĩ mới ra trường rất thấp, kể cả với các bác sĩ đã làm việc lâu năm thì mức thu nhập cũng chưa chắc đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Thời gian học tập của một sinh viên trường y rất dài, ra trường còn phải học thêm để lấy chứng chỉ hành nghề, rồi lại mất thêm thời gian học và thực hành về lĩnh vực chuyên môn trước khi tự tin khám chữa bệnh cho mọi người. Nếu so sánh mức lương hiện tại với số năm học và chi phí bỏ ra, thì hoàn toàn không tương xứng”- Trường Giang cho biết.

Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt bác sĩ nghỉ việc. Ảnh: LĐO

Không phải nghề để làm giàu mà là để cứu người

Thu nhập thấp đã khiến không ít cán bộ nhân viên y tế buộc lòng phải rời các cơ sở y tế công để đi tìm kế sinh nhai. Thế nhưng với bác sĩ H Dlel - hiện đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Eakar (Đắk Lắk), nỗi lo ấy khó đánh mất đi tình yêu với nghề, lòng thương với người bệnh.

“Thật ra thì người làm công ăn lương như tôi rất mong nhận được thù lao một cách thích đáng, xứng đáng với công sức và tâm huyết mình bỏ ra.

Theo đuổi ngành y là lựa chọn, là gắn bó và là đam mê của cả đời tôi. Hơn hết, tôi mong muốn được chữa bệnh cứu người, được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Chứ với mức thu nhập hiện tại rất khó để có thể giải quyết được nhu cầu cuộc sống, nhất là trong thời buổi lạm phát, mọi thứ đều tăng giá. Dù thế, tôi vẫn quyết tâm gắn bó để được cống hiến.

Ai cũng mong lương mình cao nhưng Nhà nước không có tiền chi trả thì cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. Bộ Y tế mới có đề xuất tăng lương khởi điểm cho bác sĩ nhưng liệu có thành hiện thực không cũng còn chưa chắc. Chỉ mong sao đất nước phát triển hơn để tăng mức thu nhập cho nhân viên y tế”- bác sĩ H Dlel tâm sự. 

Còn với cậu sinh viên Trường Giang, niềm vinh dự và tự hào về nghề nghiệp có lẽ là động lực khiến Giang luôn lạc quan trong những tháng học cuối cùng tại giảng đường: 

“Ngày trước mình đăng ký dự thi vào ngành y theo định hướng từ gia đình. Sau nhiều năm học tập, dẫu biết công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng nhận ra đây là một nghề nghiệp vô cùng cao quý, lại được mọi người tôn trọng nên mình cảm thấy rất tự hào.

Bản thân mình luôn quan niệm, đây không phải nghề để làm giàu mà là để cứu người. Nên hiện tại khi đã chuẩn bị kết thúc chặng đường sinh viên, mình vẫn vui vẻ với lựa chọn của mình. Tuy nhiên nếu được đề xuất, mình vẫn mong thu nhập của y bác sĩ sớm được cải thiện, nhằm tiếp thêm động lực trên hành trình thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc” - Trương Giang chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn