MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu có các dấu hiệu như lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết nhiều,... đến ngay bệnh viện để kịp thời tham khám, điều trị bệnh, ảnh: Kim Đồng

Nhiều bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết vì đến viện trễ

Kim Đồng LDO | 05/08/2019 14:32

Trong 7 tháng qua (tính từ đầu năm đến hết ngày 31.7.2019), địa bàn TPHCM có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 5 bệnh nhân là người lớn, 2 bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên. Hầu hết các bệnh nhân tử vong đều đến bệnh viện trễ.

Ngày 5.8.2019, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho thấy, trong tháng 7, số ca sốt xuất huyết tại TP được báo cáo là 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6, trong đó có 3.696 ca nội trú và 2.760 ca ngoại trú. Số ca tích lũy trong 7 tháng qua là 31.787 ca (gồm 18.255 ca nội trú và 13.532 ca nội trú); tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong 7 tháng qua, thành phố có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; trong đó có đến 5 bệnh nhân là người lớn, 2 bệnh nhân còn lại đều ở độ tuổi thiếu niên. Hầu hết các bệnh nhân tử vong đều đến bệnh viện trễ.

Theo đó, ca bệnh là người lớn chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh. Trước đây bệnh sốt xuất huyết thường được cho là bệnh của trẻ em. Tuy nhiên, những năm gần đây, số ca bệnh là người lớn tăng khá rõ.

“Người lớn mắc bệnh, tâm lý chủ quan không theo dõi sát diễn biến, không đi khám bệnh để được bác sỹ hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà; trong khi bệnh có thể trở nặng rất nhanh chóng rất dễ nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết.

Ngoài ra, theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết tương tự như mùa dịch những năm trước, với mùa dịch bắt đầu từ tháng 6 năm trước và kết thúc khoảng tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết vào mùa cao điểm: cần đẩy mạnh hoạt động phòng bệnh sốt xuất huyết  trong mỗi gia đình để khống chế số ca mắc và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng để khống chế số ca tử vong.

Tại TPHCM, các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết luôn là các hoạt động cốt lõi của Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm hàng năm với thông điệp xuyên suốt là “Không lăng quăng, không muỗi, không sốt xuất huyết”.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, để phòng tránh không bị bệnh sốt xuất huyết, người dân cần diệt muỗi và không để muỗi chích bằng các biện pháp như dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi; bôi kem chống muỗi; ngủ mùng kể cả ban ngày. Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản: súc rửa hồ, phuy, lu, xô chứa nước, trước khi thay nước mới, đậy kín nắp lu, hồ, phuy khi không sử dụng,…

“Người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sỹ khám và hướng dẫn theo dõi tại nhà, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ, uống nhiều nước,…

Ngoài ra, nếu thấy một trong các dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết nhiều thì đến ngay bệnh viện để kịp thời điều trị bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn