MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ths Nguyễn Trọng Khoa (đứng giữa) trao đổi về ca bệnh mắc COVID-19 nặng. Ảnh: Lê Bảo.

Nhiều ca mắc COVID-19 có tiên lượng tử vong tại Đà Nẵng

Lệ Hà LDO | 07/08/2020 17:56

"Hiện số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 có tiên lượng tử vong tại Đà Nẵng khá nhiều. Trước khi mắc COVID-19 thì những bệnh nhân này đều có nhiều bệnh nền, đang được điều trị tích cực và có tiên lượng tử vong cao", Ths Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đội điều trị COVID-19 đang ở Đà Nẵng cho biết.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Khoa, Đà Nẵng có năng lực y tế tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu chung trong điều kiện bình thường. Điều lo ngại nhất chính là ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở các khoa có bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhiều bệnh nền như Hồi sức cấp cứu, Nội thận tiết liệu, Nội tổng hợp.

Tại những khoa này, những người mắc COVID-19 lại là những bệnh nhân vốn dĩ đã rất nặng như suy thận mạn, có nhiều bệnh nền, đang hồi sức, đang cấp cứu...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh so sánh đợt dịch COVID-19 lần này với trước đây: Trong đợt dịch COVID-19 trước, ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận hầu hết ca nhiễm là những người từ nước ngoài về, người không có bệnh nền nên tỉ lệ ca nặng rất ít so với đợt này. Đợt này số ca nặng rất nhiều và đòi hỏi huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức – cấp cứu mới có thể xử lý được. Đồng thời, cũng phải huy động rất nhiều phương tiện vật tư liên quan đến cấp cứu và hồi sức.

Hiện điều quan trọng của đội công tác là ưu tiên, tập trung lực lượng cứu chữa bệnh nhân; đồng thời phải giải tỏa được những bệnh nhân nặng đang nằm ở tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau khi tiến hành giảm tải, Bệnh viện Đà Nẵng hiện chỉ còn dưới 300 bệnh nhân điều trị, trong đó, không có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, áp lực tại Bệnh viện Đà Nẵng đã được giảm đi rất nhiều.

Tại Huế, chuyến bay mang các thiết bị từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào Huế đã tới nơi. Các phương tiện và thiết bị cần thiết khác đã sẵn sàng, công tác hội chẩn chuyên môn gấp đã hoàn tất. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, có bệnh nhân 456 mắc huyết khối tĩnh mạch, có thể nguy kịch. Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội cấp tốc chuyển thiết bị vào can thiệp cứu người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra phương án điều trị cứu bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Minh An

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và GS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhân. Sau ca can thiệp tim mạch trong điều kiện đặc biệt này đã thành công.

Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị các ca COVID-19 nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chuyển đến. Hiện bệnh viện điều trị 19 ca rất nặng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn