MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cùng một bệnh nhi nhưng các đối tượng viết ra các câu chuyện khác nhau. Ảnh: BVCC

Nhiều đối tượng cắt ghép, bịa đặt câu chuyện bệnh nhi để trục lợi

NGUYỄN LY LDO | 15/08/2023 14:16

TP Hồ Chí Minh - Hiện nay, những bài đăng trên mạng xã hội với mục đích huy động góp tiền để giúp đỡ những bệnh nhi khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí, xuất hiện khá nhiều. Điều này đã tạo cơ hội cho những cá nhân có ý đồ không tốt, sẵn sàng cắt và ghép hình ảnh cũng như câu chuyện để tận dụng trục lợi cá nhân.

Đáng chú ý, những đối tượng này thậm chí còn sẵn sàng cung cấp thông tin tài khoản cá nhân để nhà hảo tâm chuyển tiền trực tiếp. Tại thời điểm này, lòng tốt đã bị bóp méo bởi những cá nhân xấu.

Trong thời gian gần đây, những trường hợp giả mạo như vậy để trục lợi không phải là điều hiếm. Thậm chí, nhiều đối tượng đã lập ra các trang web, fanpage... thường xuyên chỉnh sửa và ghép ảnh để viết ra những câu chuyện không có thực.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Phòng Công tác xã hội (CTXH) tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cho biết những đối tượng này có thể là một nhóm hoặc cá nhân, họ sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của các bệnh nhi đã hoặc đang điều trị để tạo giấy tờ giả mạo, nhằm xây dựng lòng tin của những người có tấm lòng hảo tâm và tận dụng để đạt lợi nhuận cá nhân.

"Ở bất kỳ bệnh viện nào cũng vậy, không được phép chụp ảnh của bệnh nhi, chỉ chụp ảnh của bố mẹ khi họ đồng ý. Thông tin về tên của bệnh nhân phải được ghi tắt và mọi hình thức hỗ trợ phải thông qua Phòng CTXH của bệnh viện, không nên trực tiếp giúp đỡ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người hảo tâm không tin tưởng Phòng CTXH và họ tìm cách giúp đỡ trực tiếp", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Nội dung không có thật về một trường hợp mà các đối tượng xấu viết bài xin ủng hộ. Ảnh: BSCC

Hầu hết các trường hợp xảy ra theo hai tình huống. Thứ nhất, bệnh viện phát hiện thông tin không đúng trên mạng, Phòng CTXH bệnh viện sẽ xác minh thông tin, nếu không có trường hợp như bài viết, bệnh viện sẽ đăng trên trang Fanpage của bệnh viện để mạnh thường quân không bị lừa. Nếu có bệnh nhân, bệnh viện sẽ tiếp cận gia đình và khuyên nên tìm đến Phòng CTXH để được giúp đỡ.

Trường hợp thứ hai, sau khi đối tượng đăng tải thông tin, những người hảo tâm thường trực tiếp đến bệnh viện để hỗ trợ. Nhưng bác sĩ Khanh cho rằng, mạnh thường quân nên làm việc với Phòng CTXH, họ sẽ biết chính xác số tiền cần chi trả cho bệnh nhân. Đôi khi, khi thấy có nhiều người đến giúp, bệnh viện sẽ đề xuất giúp các trường hợp khác.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 có khoảng hơn 1.000 trường hợp được giúp đỡ chi phí. Với số lượng bệnh nhân cần hỗ trợ đông đảo như vậy, người dân cần cảnh giác với những thông tin trên mạng xã hội, để giảm tình trạng lòng tốt bị lợi dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn