MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh chủ quan với dịch COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 13/04/2023 11:21

TP Hồ Chí Minh - Sau khi Bộ Y tế có cảnh báo về số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian gần đây, ghi nhận của phóng viên tại TP Hồ Chí Minh cho thấy nhiều người dân đang có tâm lý lơ là, chủ quan theo dõi bệnh nếu không may mắc COVID-19. 

Liên tiếp trong vòng 3 ngày, toàn bộ thành viên trong gia đình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, nhức tay chân và sốt, chị N.T.T (34 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) nghĩ cả nhà mắc cảm thông thường nên cho uống hạ sốt và ăn uống đều độ hơn. Đến ngày thứ 5, triệu chứng mệt hơn nên mới test thì phát hiện dương tính với COVID-19. 

“Cả nhà tôi đều tiêm vaccine 3 mũi rồi, thực ra tới giờ phút này nếu có những triệu chứng trên tôi cũng nghĩ bệnh bình thường nên không kiểm tra nhiều. Đến ngày thứ 5 bệnh, con gái tôi có nhắc hay mình mắc COVID-19 hả mẹ, tôi chợt nhận ra triệu chứng có giống nên mới test thì đúng mắc COVID-19 thật. Nhưng tâm lý biết bệnh và có kinh nghiệm chữa rồi nên bình thường, dần dần sẽ khoẻ”, chị T. chia sẻ. 

  Một bệnh nhân đang được theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Ly

Chị Phan Thị Hương (32 tuổi), nhân viên văn phòng tại Quận 1 (TP Hồ Chí Minh), cho hay nhiều bạn bè của chị cũng đang sổ mũi, ho, mệt mỏi. Tuy nhiên, không ai có ý định test nhanh COVID-19 như cách đây hơn một năm. 

“Thời tiết nắng nóng nên có thể mọi người bị cảm. Ai từng bị COVID-19 rồi cũng thấy cơ thể ốm yếu, dễ bệnh tật, suy nhược nhưng không biết làm cách nào. Mọi người vẫn phải đi làm nên chúng tôi đeo khẩu trang ngay trong văn phòng”, chị Hương chia sẻ. Hầu hết bạn bè của chị Hương đều tiêm 3 mũi vaccine và ít nhất một lần mắc COVID-19.

Ghi nhận thực tế, đa phần người dân có tâm lý mắc các triệu chứng nghi ngờ COVID-19 cũng xem nhẹ bệnh và chủ động điều trị tại nhà. Việc tiêm phòng vaccine COVID-19 hầu hết dừng lại ở mũi thứ 3. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện tượng một đợt bệnh cảm cúm, bệnh hô hấp xen lẫn những ca mắc COVID-19 là bình thường. Bên cạnh đó, COVID-19 là bệnh lưu hành nên không thể hết hoàn toàn ca nhiễm. 

“Vấn đề là ca mắc COVID-19 có tạo gánh nặng về điều trị, đòi hỏi phải cấp cứu hay có ca tử vong hay không? Theo tôi, chúng ta không cần thiết phải lo lắng hay tính đến chuyện giãn cách, cách ly gì cả”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Khanh, những đợt nghỉ lễ trong năm qua, nhiều người cũng lo lắng về nguy cơ COVID-19 lây nhiễm mạnh và bùng phát thành dịch, nhưng thực tế đều không xảy ra. Tuy nhiên, thời điểm này, ngành y tế vẫn cần cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, khuyến cáo đeo khẩu trang khi có thể.

Còn BS.CKII Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi là tuyến cuối tiếp nhận những bệnh nhân nặng, hiện nay có 6-7 bệnh nhân đang điều trị tích cực, đa phần là bệnh nhân có bệnh lý nền nên dễ chuyển biến nặng”.

Tính tới ngày 13.4, Bệnh viện Chợ Rẫy không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh có một trường hợp mới nhập viện đang được theo dõi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn