MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người xét nghiệm mới biết mình nhiễm nhiều loại virus cùng lúc

NGUYỄN LY LDO | 03/11/2022 13:45
Đã nhiều tháng qua, các tỉnh phía Nam và TPHCM đang lưu hành nhiều loại dịch bệnh cùng lúc như: Sốt xuất huyết, cúm mùa, COVID-19… Đa phần các bệnh truyền nhiễm có những triệu chứng giống nhau, chỉ đến khi bệnh kéo dài bệnh nhân mới đến bệnh viện xét nghiệm và phát hiện nhiễm nhiều loại virus cùng lúc. 

Cuối tháng 10.2022, anh Trần Thức Q. (38 tuổi, ngụ tại TPHCM), đang làm việc thì xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt nên xin nghỉ làm sớm. Những ngày sau đó, anh Q. liên tục sốt cao trên 39 độ, kèm nôn ói và chán ăn… đến ngày thứ 8, anh Q. mới quyết định nhập viện cấp cứu và xét nghiệm mới biết lý do vì sao mình bệnh kéo dài như vậy. 

“Chưa bao giờ tôi sốt, ho, mệt, nhức đầu kéo dài như vậy. Nếu như bình thường chỉ 2-3 ngày là hết nhưng khi tôi nhập viện là lúc đó không chịu nổi. Kết quả xét nghiệm cho biết tôi nhiễm các loại virus khác và kèm sốt xuất huyết Dengue. Sau 10 ngày tôi mới có thể sinh hoạt bình thường”, anh Q. cho biết. 

 Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Q. nhiễm cùng lúc nhiều loại virus. Ảnh: NVCC

Theo bác sĩ Vũ Trường Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện FV, sau đỉnh dịch COVID-19 của năm 2021 đi qua, tình hình dịch tễ có nhiều thay đổi rõ rệt vì các bệnh truyền nhiễm tăng nhanh như: Nhiễm trùng đường ruột, đường hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não, sốt rét, viêm gan B… 

Đơn cử tại Bệnh viện FV, năm 2021 số lượng bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp hơn 8.000 trường hợp, nhưng chỉ tính 9 tháng năm 2022 đã có hơn 12.500 trường hợp, cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Không chỉ có bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mà các bệnh như: Cúm A, B, tay chân miệng… đều tăng gấp nhiều lần so với 2 năm trước đây. 

Lý giải về những con số biết nói này, bác sĩ Trường Sơn nhận định, suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành nên các mũi vaccine tiêm chủng bị hạn chế. Thậm chí, nhiều người có bệnh lý nền và trẻ em bị thiếu hoặc bỏ qua tiêm như: cúm A, B, phế cầu (nhóm người có cơ địa đặc biệt), sởi, rubela… việc này tiêm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh và chuyển nặng cao. 

Đơn cử như sự việc thời gian vừa qua tại tỉnh Bắc Kạn, xuất hiện ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn khiến hơn 700 em học sinh nhiễm bệnh, một bé gái 8 tuổi tử vong. 

Vì thế, theo bác sĩ Trường Sơn, tiêm chủng vaccine không thể tránh bệnh 100%, nhưng là phương pháp phòng ngừa bệnh chủ động. Đồng thời, phòng ngừa thêm việc sau dịch COVID-19 cơ thể bị “quên kháng thể” nên tình trạng nhiễm cùng lúc nhiều loại virus khác nhau trở nên phổ biến. Đó cũng là lý do vì sao sau dịch nhiều trẻ em bị sốt cao và nhập viện tăng đột biến, bệnh nhân dễ dàng trở nặng hơn vì thiếu vaccine kháng lại mầm bệnh.

Đồng thời, ngoài việc tiêm đầy đủ thì người dân không nên có tâm lý chủ quan phòng bệnh và theo dõi bệnh khi không may có các triệu chứng ho, sốt kéo dài trên 3 ngày cần đi đến bệnh viện để được theo dõi kịp thời, tránh tình trạng chuyển nặng, thậm chí là tử vong nhanh chóng. 

Nhân viên y tế cũng cần được tập huấn lại công tác phát hiện và chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm vì chuyện “quên bài” của các bệnh truyền nhiễm khác nên  dễ xảy ra sau thời gian dài tập trung chiến đấu với COVID-19. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn