MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà khoa học Nhật Bản đang thử nghiệm vaccine COVID-19 có hiệu quả bảo vệ suốt đời. Ảnh: AFP

Nhóm chưa tiêm đủ vaccine COVID-19 nguy cơ mắc cao

Lệ Hà LDO | 26/08/2022 17:56

Việt Nam đã tăng nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine, song tại một số nơi, việc tiêm vaccine COVID-19 chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm.

Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng...

Việt Nam đã tăng nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine, song tại một số nơi, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.

Trong khi hiệu lực vaccine sẽ giảm sau 4-6 tháng tiêm, nguy cơ mắc bệnh, tái nhiễm, chuyển nặng, tử vong rất dễ rơi vào nhóm trường hợp nguy cơ cao nhưng không tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Họ gồm nhóm người cao tuổi (từ 60 trở lên), mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch...

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 26.8,  số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.935.438 liều, trong đó mũi 1 là 9.120.115 liều; Mũi 2 là 5.815.323 liều.

Nhiều gia đình không cho con đi tiêm vaccine COVID-19 trong khi năm học mới đang gần kề. Theo  PGS.TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Vaccine COVID-19 hiện tại có khả năng hạn chế trong việc phòng lây nhiễm đối với các chủng virus SARS-CoV-2 đột biến. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy những vaccine này vẫn phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện cũng như phòng các triệu chứng hậu COVID-19. Đây chính là giá trị cốt lõi của vaccine và cũng là lý do tại sao vaccine COVID-19 phải được triển khai mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

"Thông thường, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng bệnh rất nhẹ, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ có biểu hiện bệnh nặng và cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, sau khi đã khỏi lại có những trẻ bị các vấn đề ảnh hưởng tới sức khoẻ kéo dài hay còn gọi là hậu COVID-19 và trong đó, viêm đa cơ quan (MIS-C) là tình trạng nặng nhất và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ. Việc sử dụng vaccine COVID-19 đã được chứng minh là giảm tỉ lệ bệnh nặng cũng như giảm tới >90% nguy cơ bị MIS-C. Chính vì vậy, trẻ em vẫn cần tiêm cho dù trẻ bị COVID-19. Mũi 3 hiện mới chỉ khuyến cáo ở nhóm trẻ lớn (từ 12 tuổi trở lên), còn với trẻ nhỏ hiện chưa có khuyến cáo nào", PGS.TS Phạm Quang Thái phân tích.

Cũng theo PGS.TS Phạm Quang Thái, với nhóm trẻ 12 tuổi, chỉ cần hoàn thành các mũi tiêm cơ bản là đã bảo vệ trẻ rất tốt. Riêng chỉ có những trường hợp đặc biệt như trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các liệu trình điều trị có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch thì mới nên tiêm mũi 3. Và trong trường hợp đó, mũi 3 có thể tiêm ở tháng thứ 3 sau khi hoàn thành 2 mũi cơ bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn