MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai nhân viên y tế trong dịch COVID-19

Thùy Linh LDO | 18/06/2021 17:38
Theo thống kê của Công đoàn Y tế, trong đợt dịch thứ 1 và thứ 2 đã ghi nhận 43 trường hợp cán bộ nhân viên y tế nhiễm COVID-19, đợt dịch thứ 3 có khoảng 60 người. Trong đợt dịch thứ 4, thống kê chưa đầy đủ cho thấy có 114 người nhiễm COVID-19.

Hơn 100 cán bộ nhân viên y tế đã bị lây nhiễm COVID-19

Tham dự Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm căng thẳng cho những chiến binh áo trắng chống dịch COVID-19” do báo Lao Động tổ chức sáng 18.6, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Trong dịch COVID-19, lo lắng nhất đối với cán bộ nhân viên y tế là họ có thể bị lây nhiễm COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, virus có thể lây nhiễm trong không khí, thì kể cả họ làm đúng quy trình vẫn có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Từ đó, nhân viên y tế không chỉ lo lắng bản thân mình mắc bệnh mà họ còn lo lắng sẽ lây nhiễm cho đồng nghiệp, gia đình.

Đáng chú ý, nhiều cán bộ y tế đã có bệnh nền, kết hợp nguy cơ lây nhiễm thì mối nguy hiểm của họ tăng lên nhiều lần. Đang đi chống dịch, cán bộ y tế có thể gặp tai nạn giao thông, gặp bạo hành y tế...

"Đặc biệt, đối với phụ nữ thì vất vả hơn rất nhiều. 63% cán bộ y tế là nữ, ngoài việc chống dịch, họ vẫn phải lo lắng cho gia đình, người thân của mình. Nhiều cán bộ trong khu cách ly, người thân mất mà không thể về được... Đây là một trong số những khó khăn vất vả rất lớn của cán bộ nhân viên y tế trong dịch COVID-19"- bà Bình cho hay.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết theo thống kê của Công đoàn Y tế, trong đợt dịch thứ 1 và thứ 2 đã ghi nhận 43 trường hợp cán bộ nhân viên y tế nhiễm COVID-19, đợt dịch thứ 3 có khoảng 60 người. Trong đợt dịch thứ 4, thống kê chưa đầy đủ cho thấy có 114 người nhiễm COVID-19.

"Họ là người áp lực nhất, khi chính mình là những người chiến đấu tuyến đầu lại bị nhiễm bệnh, không thể tiếp tục chăm sóc điều trị cho người bệnh. Đây chính là áp lực nghề nghiệp của cán bộ nhân viên y tế. Nếu cộng đồng, xã hội không đồng cảm, chia sẻ, cảm thông thì những áp lực đó sẽ khiến cho các y bác sĩ bị stress"- bà Bình phân tích.

Những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai nhân viên y tế

PGS.TS Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, nguyên Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Y tế Công Cộng cho rằng: Nhân viên y tế cũng phải chịu những áp lực mà mỗi người bình thường đều có về công việc, gia đình, mưu sinh, về quan hệ xã hội...

"Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy đặc thù môi trường làm việc của nhân viên y tế rất khác biệt. Vì vậy, đây là 1 trong những công việc xếp vào nhóm chịu áp lực công việc lớn nhất. Nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế- Bộ Y tế, có gần 90% nhân viên y tế cho biết họ chịu áp lực công việc rất lớn.

Theo PGS Hương, dưới góc độ môi trường làm việc, cường độ làm việc thì không chỉ dịch COVID-19, trung bình hàng ngày, nhân viên y tế phải làm thêm gần 4 giờ, và triền miên trong nhiều ngày tháng. Cường độ làm việc của các y bác sĩ rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm tăng... Hơn nữa, họ thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân, thậm chí là chết chóc... nên đã chịu áp lực tâm lý không hề nhỏ, mặc dù đã được rèn luyện. Thậm chí, nếu bệnh nhân không điều trị vì nhiều lý do khác nhau, cũng khiến cho nhân viên y tế bị ảnh hưởng tâm lý...

"Môi trường làm việc độc hại, mức độ truyền nhiễm, hóa chất, phóng xạ, nóng bức... Thái độ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cả về ngôn ngữ và thể chất cũng làm cho áp lực nhân viên y tế tăng cao"- bà Hương phân tích.

Triển khai ứng dụng chủ động theo dõi tâm lý cho nhân viên y tế

Chúng tôi rất chia sẻ, thấu hiểu sự vất vả của cán bộ nhân viên y tế. Ngoài việc chăm sóc điều trị miễn phí cho tất cả các y bác sĩ nhiễm COVID-19, hiện nay ngành y tế cũng đã có những quan tâm kịp thời đến các cán bộ, nhân viên y tế.

Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế, doanh nghiệp, hỗ trợ cán bộ y tế nhân viên y tế trong các đợt dịch COVID-19, vận động nguồn tài trợ xã hội từ thiện để giúp đỡ, hỗ trợ y bác sĩ, tuy nhiên nguồn này cũng không thể bền.

Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị thực hiện trước mắt là 10 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho cán bộ y tế tuyến đầu, đưa ra gói đảm bảo tất cả rủi ro trong giai đoạn chống dịch như đi lại, nhiễm bệnh, tai biến vaccine hay bạo hành y tế...

Ngoài ra, hiện Công đoàn y tế cũng đang phối hợp với Đại học Y tế công cộng để triển khai ứng dụng để theo dõi tâm lý cho cán bộ nhân viên y tế, từ đó nhân viên y tế có thể tự theo dõi tình trạng của bản thân để chủ động điều trị nếu cần.

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:
    Tên tài khoản: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn