MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những con số đáng cảnh báo về bệnh tay chân miệng tại ĐBSCL

PHONG LINH LDO | 15/08/2023 17:04

Số ca bệnh tay chân miệng nặng tại ĐBSCL liên tục tăng cao cảnh báo tình trạng thiếu thuốc, gây khó cho công tác điều trị của bác sĩ.

Con số cảnh báo

Ngày 15.8, Thạc sĩ, bác sĩ CK II Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, thông tin: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị nội trú cho gần 1.400 ca bệnh tay chân miệng, điều trị ngoại trú hơn 5.800 ca. Tổng số ca nhập viện trong tháng 7 là 699 ca, trong đó có 119 ca bệnh nặng, 2 trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Các bác sĩ cho biết, trẻ em có thể tái mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần. Nguyên nhân là do trẻ sau khi bị nhiễm virus, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng thì ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus. Trước đó, bệnh viện cũng từng ghi nhận trường hợp trẻ 4 tuổi đã 3 lần mắc tay chân miệng.

Số ca mắc tay chân miệng tại ĐBSCL liên tục gia tăng (hình ảnh ghi nhận tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ). Ảnh: Phong Linh

Tại tỉnh Kiên Giang, đến hết ngày 31.7.2023 toàn tỉnh ghi nhận 13 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 1.000 ca.

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, số ca bệnh tăng hơn 47% so cùng kỳ năm 2022, chủ yếu ở TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, TP Hà Tiên. Tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong ở TP Rạch Giá có 2 ca, huyện Châu Thành 1 ca.

Bác sĩ Chuyên khoa II Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Kiên Giang - cho biết, hiện đang lưu hành chủng virus EV71, dễ dàng lây nhiễm bệnh lẫn nhau trong sinh hoạt thường ngày, nhất là ở nhà giữ trẻ, trường mầm non. Bệnh diễn tiến trở nặng nhanh nên các gia đình có trẻ mắc nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý điều trị ở nhà.

Bệnh tay chân miệng nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Phong Linh

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, trung bình một ngày toàn tỉnh ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; số bệnh nhân hiện tại là 1.117 ca, tăng hơn 47% so cùng kỳ năm 2022 và có 3 trường hợp tử vong.

Các địa phương chủ động

Trước tình trạng số ca mắc tăng nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc điều trị, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Sở chỉ đạo không chỉ riêng Bệnh viện Nhi đồng mà các đơn vị khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, hội chẩn, thu dung, điều trị bệnh nhân tay chân miệng từ tuyến dưới chuyển lên theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân tình trạng thiếu thuốc tạm thời không phải do công tác đấu thầu khó khăn".

Gia đình có trẻ mắc tay chân miệng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý điều trị ở nhà. Ảnh: Nguyên Anh

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Không chủ quan, lơ là dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Tại An Giang, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các cơ sở điều trị, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế… kịp thời thu dung, điều trị các ca bệnh tay chân miệng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn