MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những điều cần biết về trầm cảm sau sinh - kẻ giết người thầm lặng

HƯƠNG SƠN LDO | 04/10/2022 13:58

TPHCM – Ngày 4.10, tại TP Thủ Đức một người mẹ ôm con rơi từ tầng 12 chung cư khiến người mẹ tử vong tại chỗ, còn bé gái cũng tử vong khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bước đầu, cảnh sát nghi vấn người mẹ bị trầm cảm.

Theo đó, khoảng 4h cùng ngày, một số cư dân nghe tiếng động mạnh phát ra dưới một tòa chung cư trên địa bàn phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức.

  Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: A.V

Người dân gần đó đến kiểm tra, thì phát hiện thi thể người phụ nữ cùng một bé gái đang bị thương. Bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Những câu chuyện liên quan nghi vấn trầm cảm và tử vong không phải là vấn đề mới, nhất là những người mẹ sau sinh nhưng không được quan tâm, chia sẻ và phát hiện kịp thời. 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà - Trưởng Khoa sản N1, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể đề phòng. 

Nhiều người mẹ mắc trầm cảm sau sinh có thể đối mặt với tình trạng sức khoẻ xấu như sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, thậm chí có những hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến bản thân và người xung quanh. 

Những người mẹ bị trầm cảm nặng sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử lên tới 41,2%. Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.

Theo tiến sĩ Thu Hà, nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh là thay đổi nội tiết tố đột ngột, lượng estrogen và progestrogen thiếu nhiều góp phần gây nên tình trạng trầm cảm. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Đồng thời, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Về những tác động bên ngoài có thể là mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. 

Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh điều quan trọng nhất là cần sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, gia đình và bác sĩ điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc. Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn