MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng y tế xét nghiệm COVID-19 tại ổ dịch phức tạp tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: TG

Những điều quan trọng cần làm ngay với ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội

Hà Phương - Tùng Giang LDO | 30/08/2021 08:50

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đưa ra những nhận định và biện pháp cần thiết khi tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội.

This browser does not support the video element.

Hình ảnh được ghi nhận tại ổ dịch Thanh Xuân Trung.

Nên thí điểm cách ly tại nhà

Hiện nay, dịch bệnh tại thành phố đang diễn biến phức tạp, số ca dương tính trong cộng đồng vẫn tăng cao. Đặc biệt, hầu như ngày nào cũng xuất hiện ca dương tính tại khu vực mới.  

Đánh giá về tình hình phòng chống dịch tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, thành phố vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp phòng, chống dịch mạnh mẽ hơn. Hà Nội phải nhanh chóng xác định được tất cả trường hợp đã nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm trong khu vực như ở phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), Giáp Bát (Hoàng Mai) cùng những khu vực phát hiện  trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc.

  Lực lượng chức năng làm việc tại khu vực phong toả trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tùng Giang

"Muốn phát hiện được hết ca bệnh thì phải khoanh vùng để xét nghiệm tổng thể. Thực tế cho thấy chỉ sau 6 ngày đã phát hiện hơn 200 ca mắc COVID-19 tính tại phường Thanh Xuân Trung, điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn" - ông Nhung cho hay.

Thứ hai, khi phát hiện được các trường hợp F0 và F1 cần cách ly ngay, tức là "bóc tách" ra khỏi cộng đồng, nhưng phải hiểu bóc tách ra khỏi cộng đồng cho đúng. GS Nhung giải thích: "Việc tách F0 ra khỏi cộng đồng không chỉ có nghĩa là đưa người dân đi ra chỗ khác, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, mà còn có thể để người dân tự cách ly trong cộng đồng ngay tại một phòng cách ly riêng biệt của nhà mình nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế. 

Ngoài điều kiện tuân thủ tốt cách ly của người F1 hoặc F0, người trợ giúp chăm sóc trong gia đình thì đội ngũ y tế địa phương hoặc tổ COVID cộng đồng vừa giám sát chất lượng cách ly vừa tư vấn theo dõi sức khỏe và kết nối y tế khi người bệnh chuyển nặng sẽ rất hiệu quả" - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Nhung, cần tránh tình trạng đã đầu tư khu cách ly tập trung dã chiến là phải dùng cho hết. 

"Đã có tình trạng nhiều F1 đã trở thành F0 vì lây chéo trong phòng cách ly. Chủng Delta có sức lây rất mạnh, trong phòng cách ly sống chung dài ngày thì khó tránh được lây nhiễm qua đường không khí tức là đi xa hơn 2 mét, phòng giọt bắn và tiếp xúc không đủ ngăn chặn lây nhiễm" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung thông tin.

Người dân tự lấy mẫu

  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung. Ảnh: Quách Du

Thứ 3, ông Nhung khuyến cáo Hà Nội cần phải tiến hành "phân quyền" xét nghiệm cho người dân trong thời gian tới như một số tỉnh phía Nam. Theo đó, người dân tiếp cận các xét nghiệm kháng nguyên nhanh do Bộ Y tế khuyến cáo một cách hợp lý và hiệu quả. Việc tự lấy mẫu và tự xét nghiệm hoàn toàn khả thi vì không khó, có thể làm theo video hướng dẫn.

"Phương pháp này có nhiều lợi ích, đầu tiên là cho người dân chủ động trong việc phát hiện khi cảm thấy có nguy cơ, tăng tính tự giác và cảnh giác với dịch. Tất nhiên, người dân phải biết khi có nguy cơ thì xét nghiệm âm tính vẫn phải tự cách ly theo dõi, vì âm tính hôm nay nhưng có thể dương tính hôm sau trong vòng 14 ngày, hay ít nhất là trong vòng 7 ngày. 

Điều này vừa góp phần giảm tải cho hệ thống giám sát dịch, vừa giảm nhân công vừa giảm ngân sách và nhất là khi cần phát động mở rộng xét nghiệm như khu vực này hiện nay có thể phát kit test cho người dân thực hiện tất cả mọi gia đình, tránh việc tập trung xét nghiệm tăng lây nhiễm và đặc biệt người lấy mẫu quá tải, không sát trùng hay thay găng tay làm lây nhiễm từ người này sang người khác như đã xảy ra là khó tránh khỏi", ông Nhung lý giải.

Về ổ dịch phức tạp nhất ở Hà Nội hiện nay, GS Nhung cho rằng do khu vực Thanh Xuân Trung có nhiều ngõ ngách, nhà dân ở sát nhau nên rất ít gia đình có đủ điều kiện cách ly tại nhà mà đều phải đi cách ly tập trung. 

 Khu vực Thanh Xuân Trung có nhiều ngõ ngách, nhà dân ở sát nhau. Ảnh: Tùng Giang

Nếu có những trường hợp đủ điều kiện có thể để người dân tự cách ly theo dõi ở một phòng riêng biệt trong chính ngôi nhà mình là cách thí điểm tốt. Chúng ta có khái niệm "vùng xanh", "vùng đỏ", Thanh Xuân Trung hiện nay được coi là vùng đỏ, nghĩa là người trong vùng này không được ra ngoài, trái lại với vùng xanh thì người ngoài không được vào vùng xanh. 

"Tôi cho rằng trong thời gian tới, Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện mô hình "mỗi phường là một pháo đài chống dịch bệnh" như lời Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu với các tỉnh phía Nam. Để đạt được hiệu quả, cần phải làm rõ định nghĩa thế nào là một pháo đài chống dịch, gồm những bộ phận nào, vai trò phân công cụ thể ra sao?..." - GS Nhung nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn