MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận bằng khen của Bộ Y tế khi nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus Corona. Ảnh: BYT

Những nhà khoa học nữ tuyên chiến với các loại virus

Thùy Linh LDO | 08/03/2020 15:51
Tập thể các nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) được Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 cho những đóng góp to lớn với các công trình nghiên cứu phục vụ phòng chống các dịch bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm, phát triển vắc xin cúm, kiểm soát virus cúm… Đây là món quà vinh dự với nhóm các nhà khoa học nữ nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8.3. 

Từ virus SARS đến virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, định hướng nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Cúm đã được xây dựng từ những năm 2003. Lúc ấy, dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thông báo với Tổ chức y tế thế giới (WHO) về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỉ lệ tử vong cao. 

“Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (3.2003). Cùng với các đồng nghiệp quốc tế, virus SARS-CoV, một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4.2003” - PGS Quỳnh Mai chia sẻ. 

Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học cũng lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, Phòng thí nghiệm được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm ở các mức độ khác nhau.

Từ nền tảng đó, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng Phòng thí nghiệm trở thành Trung tâm chuẩn thức Quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm, là thành viên trong mạng lưới cúm toàn cầu (GISRS), đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014) sau này.

Với những nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, thời gian qua, nhóm các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm đã có những thành tích đáng nể như: Tham gia công tác khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS) năm 2003, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học tại Việt Nam; phát triển Phòng thí nghiệm cúm đầu ngành về nghiên cứu virus cúm (thành viên mạng lưới cúm toàn cầu- GISRS) phục vụ chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014).

Đặc biệt, các nhà khoa học nữ đã tích cực tham gia nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm; phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp…

Dịch COVID-19 hoành hành, họ lại tiếp tục lao vào cuộc chiến với SARS-CoV-2, ngày đêm nghiên cứu, thực hiện nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus Corona, góp phần không nhỏ vào công cuộc chẩn đoán, xét nghiệm, phát hiện sớm COVID-19 cho các bệnh nhân nghi ngờ. 

Phát triển vắc xin cúm, cập nhật liên tục

Dưới sự dẫn dắt của PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, nhóm nghiên cứu đã thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của WHO. Từ đó, vắc xin cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng được tiến hành phát triển, đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý.

Hơn 10 năm qua, PGS Quỳnh Mai cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu về virus cúm. Phòng nghiên cứu về cúm là 1 trong 10 phòng thí nghiệm của Viện. Năm 2005, sau dịch cúm H5N1, Tổ chức Y tế thế giới xác nhận là trung tâm trong hệ thống mạng lưới giám sát cúm toàn cầu của hơn 175 nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Khi là thành viên rồi, phải làm đúng theo hệ thống đó, làm các chức năng và nhiệm vụ của hệ thống.

Tại Việt Nam, cúm thông thường nghĩ là bệnh không quá nhiều được quan tâm. Mãi đến khi cúm A H5N1 thì bệnh cúm của chúng ta mới được quan tâm nhất định. Đó cũng chỉ là công việc thường ngày, đơn giản.

“Nhóm phòng thí nghiệm biên chế chỉ có 7 người, sau đó chúng tôi có phòng thí nghiệm nữa chuyên nghiên cứu về các bệnh do tác nhân virus đặc biệt như H5N1 thành một nhóm có 11 người nữa, có 3 đồng chí nam giới” - PGS Mai nhớ lại. 

Giải thưởng là đánh giá quá trình làm việc lâu dài của nhóm các nhà khoa học. Họ có khoảng hơn 200 công bố, trong đó 180 công bố quốc tế về những vấn đề liên quan đến cúm. 

Tất cả những kinh nghiệm từ hoạt động thường quy hằng ngày đã đúc rút thành kinh nghiệm để khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, họ đã không hề bị bỡ ngỡ, không bị bất ngờ với công việc chẩn đoán phát hiện sớm virus Sars-CoV-2 và hướng nghiên cứu tiếp theo. 

Tâm sự về cuộc sống thường ngày của những người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư Mai cho biết, bà và đồng nghiệp cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

“Đơn giản nhất như dịch bệnh hiện nay, con cái phải nghỉ học, các mẹ vừa bám phòng thí nghiệm, lại vừa phải thu xếp người chăm sóc con cái, kiểm soát con thế nào, hỗ trợ cho con nay mai đi học có bị ảnh hưởng không. Ở viện khoa học, tới 70% cán bộ khoa học là nữ, vì thế, nữ làm khoa học tương đối vất vả, không thuận lợi như nam làm khoa học. Chúng tôi cũng phải lo con cái, lo gia đình” - PGS Mai tâm sự. 

Với những cống hiến, đóng góp đó, Phòng Thí nghiệm cúm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 vì “có thành tích xuất sắc trong việc phòng, chống và khống chế dịch SARS, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân” năm 2004.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn