MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Niềm vui lớn nhất khi thấy bệnh nhân trước "lằn ranh sinh tử" được cứu sống

Thanh Thanh LDO | 09/09/2021 15:00

Từ những ngày đầu còn chưa quen với việc mặc đồ bảo hộ gần như xuyên suốt một ngày, bệnh nhân COVID-19 nhập viện đông, ca chuyển nặng bất ngờ..., những y, bác sĩ đã trở nên quen thuộc với công việc tiếp nhận, chăm sóc F0. Để rồi nơi đây trở thành "nhà" của cả nhân viên y tế và bệnh nhân COVID-19. 

Gạt đi nỗi niềm riêng, đăng ký lên tuyến đầu chống dịch

Kể về những ca bệnh đã được cấp cứu thành công, bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung - Đội trưởng Đội cấp cứu Bệnh viện dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP.Thủ Đức, TPHCM) không thể quên được một trường hợp bệnh nhân nữ ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim trên nền bệnh COVID-19.

Lúc đang chuẩn bị ăn cơm tối, nữ bác sĩ này nhận được thông tin một trường hợp bệnh nhân nữ than đau ngực trái, khó thở… Lập tức, bác sĩ Hoàng Dung nghĩ ngay đến nhồi máu tim cấp. Nữ bác sĩ bình tĩnh hướng dẫn điều dưỡng tiêm thuốc, truyền dịch, còn bản thân nhanh chóng bận đồ phòng hộ cấp tốc đến phòng bệnh.

Sau gần 2 tiếng hồi sức, bệnh nhân có dấu hiệu sống trở lại, nhịp tim 115 lần/phút, huyết áp 130/90mmhg, chỉ số SpO2 90%. Bệnh nhân có tri giác trở lại, ekip quyết định vừa cấp cứu vừa chuyển viện cho bệnh nhân lên bệnh viện tuyến cao hơn.

Bác sĩ Hoàng Dung chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ảnh: BV.

Là một trong nhiều y, bác sĩ của Bệnh viện Da Liễu TPHCM tình nguyện lên đường chống dịch COVID-19, bác sĩ Hoàng Dung đã hơn một tháng xa gia đình, xa 2 con nhỏ. 

Nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12, mỗi ngày, bác sĩ Hoàng Dung đều phải gạt đi nỗi niềm riêng, nén lại nỗi buồn xa gia đình, xa con nhỏ để tập trung cho công việc cứu người. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Dung lại gọi điện thăm gia đình, trò chuyện cùng con nhỏ. 

Những ngày đầu làm việc tại bệnh viện này là những ngày cực kỳ khó khăn với bác sĩ Dung khi công việc vất vả, phải mặc đồ bảo hộ trong điều kiện thời tiết nóng nực, bệnh nhân nhập viện đông, nhiều ca bệnh đột ngột chuyển nặng... Niềm vui lớn nhất của nữ bác sĩ này là thấy những bệnh nhân mắc COVID-19 đứng trước "lằn ranh sinh tử" được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch. 

Công việc ở đội cấp cứu tuy vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng bác sĩ Dung cùng những người đồng nghiệp nơi đây vẫn luôn vững tâm chiến đấu, cứu chữa người bệnh. 

"Ngôi nhà" của những y, bác sĩ

Với quy mô 1.500 giường bệnh, những ngày đầu thành lập, mỗi ngày Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức số 1 (chung cư Bình Minh, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TPHCM và do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận, phụ trách điều trị) tiếp nhận từ 250 - 300 người bệnh F0.

Hỗ trợ cắt tóc cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Sở Y tế TPHCM. 

Tại đây, đội ngũ nhân viên mỏng, đa phần được điều động từ những cơ sở khác nhau, việc điều trị và chăm sóc đều rất mới mẻ. Không những vậy, vấn đề nơi ăn, chốn ở cũng hết sức “tạm bợ". Vì vậy, mọi thứ nơi đây đối với họ đều lạ. Tuy nhiên, tất cả những cái xa lạ đó cũng nhanh chóng trở nên thân quen.

Sau hơn một tháng "3 cùng" cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, giờ đây chung cư Bình Minh - nơi được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức số 1 đã trở thành "nhà" của nhiều người. Đây là "nhà" của đội ngũ y tế, của những dân quân và cả những bệnh nhân COVID-19. 

Tinh thần lạc quan của những "chiến sĩ áo trắng", dùng đặc sản vùng miền để nhận biết nhau trong đơn vị. Ảnh: Sở Y tế TPHCM. 

Đã có những bác sĩ, điều dưỡng trở thành F0 nhưng sau khi khỏi bệnh, họ lại tiếp tục ở lại "ngôi nhà" này để tiếp tục chăm sóc, điều trị cho những người bệnh khác, cùng nhau chiến đấu vượt qua dịch COVID-19.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, không chỉ có chung cư Bình Minh trở thành "nhà" mà những cơ sở thu dung điều trị, bệnh viện đều là "nhà" của đội ngũ y, bác sĩ và cả những bệnh nhân COVID-19. Tất cả đều cùng chung mục tiêu chiến thắng dịch bệnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn