MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Nỗ lực để Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021- đầu 2022

Thùy Linh LDO | 03/06/2021 21:29
Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Sẽ có 124,9 triệu liều vaccine trong năm 2021

Chiều 2.6, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021. Như vậy, Việt Nam sẽ có 124,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế ngay từ tháng 5.2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vaccine khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…

Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine COVID-19 qua nguồn COVAX, tuy nhiên, hiện vaccine về chưa nhiều, do vậy, Bộ Y tế đang thúc đẩy COVAX làm sao sớm đưa vaccine về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất; Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Việt Nam đã đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech cung ứng cho Việt Nam 31 triệu liều vaccine COVID-19; trước đó từ tháng 11.2020, cũng đã đàm phán và ký kết với Astra Zeneca khoảng 30 triệu liều vaccine COVID-19.

“Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, của Mỹ và của Anh, có thể nói rằng, chúng ta đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022. Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định dự kiến cuối năm 2021, nhiều khả năng chúng ta đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin Việt Nam mong muốn tham gia vào trong chuỗi cung ứng vaccine của toàn cầu. Việt Nam đã đặt vấn đề với COVAX về việc này. Chúng ta thúc đẩy mua công nghệ, chuyển giao công nghệ để làm sao sớm sản xuất được vaccine trong nước.

Song song đó, Bộ Y tế cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vaccine để đảm bảo vaccine trong tương lai đảm bảo an ninh y tế.

Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: Hải Nguyễn

Phải đảm bảo từ khâu bảo quản đến khâu tổ chức tiêm phòng

Liên quan đến vấn đề bảo quản vaccine, Bộ Y tế cho biết hiện nay trên cả nước có 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine, trong đó có vaccine COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc việc tiếp cận nguồn cung ứng vaccine từ nhà sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng vaccine an toàn luôn được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu.

Khi một lượng lớn vaccine COVID-19 "cập bến" về Việt Nam, ngoài việc bảo quản, việc tổ chức tiêm làm sao để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng là vấn đề cần phải quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng mặc dù Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để nhanh chóng đạt miễn dịch chủ động và tỉ lệ tiêm chủng cao, song Bộ Y tế vẫn yêu cầu mục tiêu an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Việc tổ chức tiêm chủng phải đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng.

Đổi tên Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân”

Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt công nhân, người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã phát động Chương trình “Triệu liều Vaccine cho công nhân nghèo” từ ngày 23.5.

Ngày 2.6.2021, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp và quyết định đổi tên Chương trình“Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân” nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội nhất là công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn đối với việc đóng góp kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động; đồng thời tạo thuận lợi cho việc thanh quyết toán kinh phí.

Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Quỹ vaccine phòng COVID-19 để mua vaccine, tiêm cho công nhân trên toàn quốc.

Chương trình mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trên mọi miền của tổ quốc

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Vaccine cho công nhân” xin gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748.
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển khoản về tài khoản của Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    • STK: 113000000758 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 0021000303088 - Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK: 12410001122556 - Ngân hàng BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 1005755579 - tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD: 115000196228 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    - Mở Ví Momo .
    - Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
    - Thực hiện theo hướng dẫn.
    - Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn