MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi có máu để truyền, trong khi đó phải gồng gánh thêm nhiều chi phí khác. Ảnh: Phương Anh

Nỗi lo chồng chất của bác sĩ và bệnh nhân mỏi mòn chờ máu

PHƯƠNG ANH - PHONG LINH LDO | 29/10/2023 06:00

Nửa năm trôi qua, tình trạng khan hiếm máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa được cải thiện. Bác sĩ cần máu để điều trị cho bệnh nhân, người bệnh mòn mỏi nằm chờ trong khi đó còn phải gồng gánh thêm chi phí thuốc men, khám, chữa bệnh.

Mỏi mòn chờ máu

Bệnh nhân Trần Văn Hợp ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) bị suy thận mạn, vào nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ ngày 23.10.2023 đến nay vẫn chưa thể truyền máu vì bệnh viện không có máu để truyền.

Ông Hợp cho biết, bệnh của ông phải vào viện mỗi tuần 1 lần để truyền máu. Trước đây, khi vào, bác sĩ thăm khám xong sẽ chỉ định cho truyền máu, sau đó khoảng 1 tuần sẽ xuất viện. Còn lần nhập viện này đã 1 tuần chờ đợi vẫn chưa có máu để truyền. Do thể bệnh nặng nên ông Hợp được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tạo máu với giá gần 300.000 đồng/ống.

“Việc nằm viện chờ đợi có máu làm gia tăng thêm nhiều chi phí khác như viện phí, ăn uống, sinh hoạt. Tôi là lao động chính của gia đình mà giờ bệnh như thế này. Vợ cũng phải theo để nuôi dưỡng. Sử dụng thuốc tạo máu hoài thì không đủ khả năng chi trả, mà đợi có máu truyền cũng không biết đến bao giờ mới có”, ông Hợp buồn rầu nói.

Bà Phan Thị Kim Tư - vợ ông Hợp - không kìm được xúc động nói: “Mỗi ngày, chi phí vài trăm ngàn đồng trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thu nhập ổn định. Cứ chờ đợi thì không biết xoay sở như thế nào, khổ càng thêm khổ”.

Cũng đã nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ 1 tuần, anh Huỳnh Văn Lộc ở thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, anh được bác sĩ chẩn đoán là suy thận cần phải truyền máu. Tuy nhiên, chẩn đoán là thế, nhưng chờ mãi đến nay cũng chưa có máu để truyền.

Ông Huỳnh Văn Thái - cha của anh Lộc - cho biết: "Lộc là trụ cột chính trong gia đình và nuôi cha mẹ già. Trước đây, mỗi ngày đi làm phụ hồ cũng có thu nhập trên 200.000 đồng, đủ chi tiêu trong gia đình. Giờ không may bệnh tình ập đến, vợ chồng tôi già cả không làm gì ra tiền. Vì không có BHYT nên chưa đầy 1 tuần mà tốn cả chục triệu rồi. Chờ đợi đến mòn mỏi mà không biết bao giờ có máu truyền để được về nhà”.

Bác sĩ cũng sốt ruột

Bác sĩ Trịnh Cương Duy - Khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết: Đối với các trường hợp bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đều thiếu máu. Trong đó chỉ một số ít đủ điều kiện kinh tế để sử dụng thuốc tạo máu (ống từ 200.000 - 300.000 đồng; 1 liều tiêm từ 1-6 ống/tuần hoặc hơn, tùy theo từng bệnh nhân). Những trường hợp còn lại phải trông chờ vào nguồn máu để truyền. Có những bệnh nhân sau khi truyền máu có thể duy trì được một vài tháng, lại có người hầu như tháng nào cũng phải truyền và có những bệnh nhân mỗi lần nhập viện đều phải truyền máu.

“Không chỉ gia đình người bệnh mà cả các y bác sĩ đều hết sức lo lắng, sốt ruột trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay”, bác sĩ Duy nói.

Kho lưu trữ máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chỉ còn rất ít máu. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện Huyết học -Truyền máu Cần Thơ - nơi cung cấp máu cho 74 bệnh viện trên địa bàn 11/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL - cho biết: Ngày 27.10, kho lưu trữ máu của bệnh viện chỉ còn 38 đơn vị hồng cầu, còn tiểu cầu đã hết. Số máu này dùng để điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện và hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh ở ĐBSCL.

“Trong hoàn cảnh nguồn máu phục vụ điều trị ngày càng sụt giảm, các ca cấp cứu đang trong tình thế cấp bách cần được ưu tiên cung cấp máu. Tuy nhiên, việc cung cấp máu với số lượng lớn và nhiều ca bệnh nặng khác là một nhiệm vụ hết sức khó khăn”, ông Việt nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn