MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi trăn trở khi bác sĩ bị hành hung: Quá tải và áp lực khi làm việc

NGUYỄN LY LDO | 31/07/2022 10:24

TPHCM - Ở các bệnh viện lớn tại TPHCM, số lượng bệnh nhân đông nhưng nhân viên y tế lại có hạn khiến áp lực công việc tại đây vô cùng lớn. Mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng cần có sự thấu hiểu từ hai phía để giúp người bệnh được điều trị nhanh chóng và an toàn thay vì có những ứng xử không tốt. 

Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, không khí hối hả cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân chưa giây phút nào ngưng nghỉ, bởi thời gian là mạng sống. Trong môi trường làm việc áp lực, bác sĩ Lê Tấn Lực sau khi kết thúc 8 tiếng làm việc của mình đã ngồi trải lòng khi thường xuyên nghe thấy những câu chuyện nhân viên y tế bị hành hung

  Hình ảnh bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Ảnh: Cắt từ clip camera bệnh viện.

“Ở môi trường bệnh viện công, chúng ta đều biết luôn quá tải. Đặc biệt, tôi làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là tuyến cuối nên công việc áp lực rất nhiều. Chuyện bạo hành nhân việc y tế đã tồn tại rất lâu. Nhiều người nghĩ không có lửa làm sao có khói, còn với chúng tôi trong ngành thì hiểu được thêm cảm giác bất lực khi bị hành hung như thế nào. Suy xét về khía cạnh khác, cốt lõi câu chuyện cuối cùng mà tôi nghĩ đó là sự quá tải của hệ thống y tế công và nhân viên y tế không nhiều để chăm sóc chu đáo hết cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, nên xảy ra mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi” - BS Lực chia sẻ. 

Sau khi chứng kiến câu chuyện một bác sĩ ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định bị hành hung mới đây, nhiều người công tác trong ngành y và người dân tỏ ra bức xúc trước thái độ và cách ứng xử của người nhà bệnh nhân. Còn đối với các bác sĩ và nhân viên y tế, sự đau lòng thể hiện rõ qua từng chia sẻ. 

BS Vũ Duy - Phó Khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, trung bình khoa cấp cứu bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận 300-400 bệnh nhân mỗi ngày. Với nhiều bệnh nhân có bệnh lý nặng nhập viện, người nhà lo lắng nên ai cũng yêu cầu xử lý nhanh cũng là điều dễ hiểu. Còn với nhân viên y tế, áp lực bệnh nặng, số ca đông, người nhà liên tục hỏi thăm tình hình bệnh nhân… khiến chúng tôi luôn trong trạng thái căng thẳng làm việc. Cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều nhân viên y tế vì quá áp lực nên đã có thái độ chưa được mềm mỏng với bệnh nhân hoặc người nhà. Thời gian qua, chúng tôi đang từng ngày cải thiện văn hoá ứng xử khi làm việc. Đồng thời, cũng hy vọng người nhà đặt mình vào hoàn cảnh nhân viên y tế để ứng xử có chừng mực, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.

Đồng quan điểm với bác sĩ Vũ Duy, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia định TPHCM, thẳng thắn bày tỏ: “Đứng trên quan điểm cùng là đồng nghiệp với nhau, chúng tôi rất chia sẻ nỗi trăn trở này. Môi trường của bệnh viện phải thực sự là môi trường an toàn để bệnh nhân và nhân viên y tế được làm việc tốt nhất. Chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân y tế cùng một chiến tuyến là chiến thắng bệnh tật. Chúng ta không nên có sự chia rẽ này vì phần nào ảnh hưởng đến công việc của bác sĩ, gây sức khoẻ xấu cho người dân”. 

Luật sư Nguyễn Trung Tín – Văn phòng Luật sư Đặng và Cộng sự, cho biết: “Về chế tài hành chính, tập trung tại Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực y tế có mức xử phạt từ 5 triệu - 8 triệu đồng đối với hành vi cá nhân gây rối hoặc cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đủ yếu tố để xem xét khởi tố vụ án hình sự. Trong một số trường hợp khác, tùy theo tính chất hành vi có thể xử phạt theo tội cố ý gây thương tích theo Bộ luật Hình sự, thậm chí là tội giết người nếu như có hậu quả giết người xảy ra”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn