MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phủ 98,6% vaccine mũi 1, TPHCM liệu đã đạt miễn dịch cộng đồng? Ảnh: Nguyễn Ly

Phủ 98,6% vaccine mũi 1, TPHCM liệu đã đạt miễn dịch cộng đồng?

NGUYỄN LY LDO | 17/10/2021 15:09
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, tỉ lệ tiêm mũi 1 là 98,6% người trên 18 tuổi và mũi 2 là 75,35%. Nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM đã đạt miễn dịch cộng đồng.

Thành phố chưa thể đạt 100% miễn dịch cộng đồng

Người dân đưa con đi khám sau nhiều tháng ở nhà. Ảnh: Nguyễn Ly

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TPHCM phân tích: "Với tỉ lệ tiêm chủng hiện tại, TPHCM mới đạt miễn dịch một phần. Bên cạnh đó, với biến chủng Delta có R0 là 7 hay 8, với các vaccine COVID-19 hiện nay sẽ không thể nào đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, chúng ta chưa ở điều kiện “bình thường mới” ở thời điểm hiện tại”.

Vị chuyên gia đưa ra dẫn chứng về mô hình chống dịch COVID-19 tại Singapore và kết luận đó là 1 kinh nghiệm với TPHCM. Singapore có tỉ lệ tiêm vaccine là 85% và dự định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau đó, số ca mắc gia tăng khiến chính phủ nước này e dè và trì hoãn các bước mở cửa.

Điểm khác biệt với TPHCM là Singapore trước đó đã thành công trong chiến lược "Zero Covid". Miễn dịch cộng đồng của Singapore chủ yếu từ việc tiêm chủng mà không phải miễn dịch từ các ca mắc.

“Trong khi đó, TPHCM từng bị dịch bệnh lưu hành nên sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn”, PGS Dũng nhận định.

Miễn dịch cộng đồng tự nhiên vì có số ca mắc cao

Từ ngày 14-15.10, trên hệ thống quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.131 trường hợp mắc  COVID-19 mới tại TPHCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 415.875 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.

Việc nới lỏng giãn cách trong khi số ca mắc mỗi ngày trung bình hơn 1.000 ca, TPHCM vẫn kiểm soát được về số ca mắc và tử vong vì có vaccine bảo vệ 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi.

Sự phát tán của virus SARS-CoV-2 trong không khí và xâm nhập vào người đã có miễn dịch, sẽ củng cố hiệu lực của vaccine.

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng: “Nếu người mắc COVID-19 mà không cần nhập viện thì càng tốt vì nó tạo thêm miễn dịch cộng đồng tự nhiên. Nếu ca bệnh mà không lây thêm cho đối tượng nguy cơ thì đếm… chỉ để đếm thôi”.

Các chuyên gia đồng thuận với việc chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng, miễn là vẫn trong tầm kiểm soát và không đe dọa hệ thống điều trị.

Song song đó, TPHCM cần xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời.

PGS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TPHCM cho rằng, cơ quan chuyên môn cần cụ thể hóa các chỉ tiêu về năng lực đáp ứng thu dung điều trị của địa phương, sẵn sàng khi dịch COVID-19  quay trở lại. 

“Sẵn sàng là bao nhiêu? Phải có tiêu chí, số lượng cụ thể, địa phương mới có thể “chạy” ngay khi dịch xuất hiện trở lại”, PGS Phúc khẳng định và đề xuất cơ quan chuyên môn cần ban hành một kịch bản chung cho bản kế hoạch, tránh mỗi địa phương viết theo một kiểu khác nhau.

Để có được lộ trình tái cấu trúc mạng lưới kiểm soát dịch tễ

Tính đến ngày 8.10.2021, đã có 15 bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đi vào hoạt động với quy mô gần 7.000 giường, thay thế cho các bệnh viện của thành phố ngưng hoạt động.

Trong thời gian tới, các quận, huyện còn lại sẽ sớm thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện, trong đó có 30-50 giường ôxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện thành phố trên cùng địa bàn đảm trách. Đối với bệnh viện dã chiến quận huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học, cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp.

Như vậy, dù miễn dịch cộng đồng hoàn toàn vẫn chưa thể đạt được, nhưng TPHCM có những lợi thế nhất định để sống chung với COVID-19. Sống chung an toàn chỉ khi có đủ “vũ khí”, phương tiện bảo vệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn