MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phụ huynh bất an khi mỗi năm con lại bị tay chân miệng 1 lần dù chăm sóc kỹ

PHONG LINH - TẠ QUANG LDO | 22/06/2023 14:57

Tình hình bệnh tay chân miệng ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến phức tạp khi ghi nhận nhiều ca chuyển nặng và tái nhiễm.

Mỗi năm con bị tay chân miệng 1 lần

Chăm sóc con mắc bệnh tay chân miệng được hơn 5 ngày tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thế nhưng chị Nguyễn Thị Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn chưa hết bất an khi bé chỉ mới 4 tuổi mà đã có 3 lần nhiễm bệnh. Đáng nói, trong lần này, bệnh của bé lại chuyện nặng, các biểu hiện cũng khó phân biệt khiến chị lo lắng bệnh này sẽ còn khả năng tái nhiễm.

Phòng Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận, điều trị nhiều ca tay chân miệng. Ảnh: Phong Linh

"Mỗi năm, con tôi lại bị tay chân miệng một lần, 3 lần mắc lại có các biểu hiện tại khác nhau. Lần đầu bé sốt nhẹ; lần thứ 2 thì sốt cao liên tục và nổi mụn nước thêm ở tay, chân, miệng; lần này thì bé buộc phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc để bác sĩ theo dõi vì sợ nguy cơ ảnh hưởng đến tim.

Tôi thấy mình chăm sóc con kỹ càng, cho con ăn uống hợp lý, bảo vệ con ở môi trường công cộng nhưng con vẫn bị lại khiến tôi nghĩ rằng bệnh này đang diễn biến phức tạp hơn" - chị Kiều chia sẻ.

Con chị Kiều dù chỉ mới 4 tuổi nhưng đã mắc tay chân miệng 3 lần. Ảnh: Phong Linh

Chị Kiều cũng chia sẻ, trong 2 ngày đầu nhiễm bệnh, con thường xuyên bị giật mình, chới với, nhất là vào ban đêm. Hầu hết các bé trong cùng phòng bệnh cũng gặp tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, từ lúc chăm sóc con ở phòng hồi sức, chị chứng kiến nhiều trẻ dưới 3 tuổi nhưng bệnh rất nặng.

"Thương nhất là những bé dưới 3 tuổi nhưng bị ảnh hưởng đường hô hấp, khó thở, bị đờm làm cháu mất ngủ nhìn rất thương.

Sau lần con nhập viện này, tôi sẽ chăm sóc con cẩn thận hơn và không lơ là với bệnh tay chân miệng" - chị Kiều chia sẻ.

Con anh Thái bắt đầu phát mụn đỏ nhiều hơn. Ảnh: Phong Linh

Cũng có con đang điều trị tại tay chân miệng tại khoa hồi sức tích cực chống độc, anh Nguyễn Hoàng Phúc (TP Cần Thơ) - cha của bé, cho biết "Bác sĩ dự báo trong 3 - 5 ngày tới, con tôi sẽ phát mạnh, nổi mụn nước nhiều hơn, do đó, con cần được theo dõi và nếu có gì bất thường còn trở tay kịp.

Đây là lần đầu con mình mắc tay chân miệng nhưng không may lại bệnh nặng, ảnh hưởng đường hô hấp nên tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con".

Hơn 300 trẻ mắc tay chân miệng độ 2 - 3

Từ tháng 4 đến nay, số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ có xu hướng tăng mạnh, nhiều ca nhập viện ở mức độ nặng, phải hội chẩn với tuyến trên hoặc chuyển viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh viện tiếp nhận các trường hợp tay chân miệng tại các quận, huyện và các tỉnh thành khác chuyển đến, từ đầu năm đến nay tiếp nhận, điều trị trên 2.260 ca, đặc biệt trong tháng 5 bắt đầu tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Trong tháng 6 có 3 trường hợp bệnh diễn biến nặng, phải chuyển viện lên tuyến trên, 1 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã ghi nhận hơn 300 trẻ mắc tay chân miệng độ 2 - 3. Ảnh: Phong Linh

Thống kê từ Sở Y tế TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, Cần Thơ ghi nhận trên 400 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 52,7% so với cùng kỳ năm 2022 (850 ca), trong đó, ghi nhận trên 300 ca mắc tay chân miệng ở độ 2 - 3.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga - Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ nhận định: Dịch bệnh tay chân miệng năm nay dự báo diễn biến khó lường do có sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71), Virus có khả năng gây bệnh tay chân miệng nặng. Mặt khác, trẻ em đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường.

Để chủ động ứng phó nếu bệnh bùng phát mạnh Cần Thơ và ở ĐBSCL, Sở Y tế TP Cần Thơ đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; tham mưu UBND TP Cần Thơ chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ngành tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn