MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân điều trị nội trú do mắc cúm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh

Quảng Ninh: Gia tăng bệnh nhân mắc đồng thời nhiều chủng cúm

Đoàn Hưng LDO | 08/03/2023 07:16
Đang vào đợt giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến sức đề kháng suy giảm dễ bị các loại virus gây bệnh xâm nhập, trong đó có cúm. Theo ghi nhận của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thời gian này, số ca cúm mùa không chỉ có xu hướng gia tăng mà nhiều trường hợp mắc đồng thời nhiều chủng cúm.

Bác sĩ Lương Trung Kiên - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cho biết, từ ngày 1.12.2022 đến nay có khoảng 160 bệnh nhân điều trị nội trú do mắc cúm; trung bình một ngày khoa tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng bệnh nhân cúm gia tăng nhiều.

Còn theo bác sĩ Phạm Công Đức - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, từ đầu năm đến nay có 157 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 125 bệnh nhân mắc chủng cúm A, 32 bệnh nhân mắc chủng cúm B. 

"Đợt này đang trong mùa cúm, hiện bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho 20 bệnh nhân cúm. Đã có hơn 300 bệnh nhân đến khám xin kê đơn điều trị tại nhà" - bác sĩ Đức cho biết.

Cũng theo bác sĩ Đức, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 8 bệnh nhân đồng thời nhiễm cả 2 chủng cúm A và B. Khi vào viện, bệnh nhân thường mệt mỏi, li bì, bác sĩ tiến hành xét nghiệm mới phát hiện ra. Đối với những trường hợp này, bệnh nhân sẽ dễ trở nặng, đặc biệt với những người có bệnh nền như sơ gan, suy thận, bệnh phổi mãn tính, phụ nữ có thai…

Thời gian gần đây, bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 8 bệnh nhân đồng thời nhiễm cả 2 chủng cúm A và B. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Trẻ nhỏ, đề kháng kém cũng là đối tượng mắc nhiều. Trường Tiểu học và THCS Hùng Thắng, phường Hùng Thắng là một trong những ổ dịch cúm mùa được ghi nhận trên địa bàn TP Hạ Long với 20 học sinh đồng loạt mắc cúm. Ngoài trường Tiểu học Hùng Thắng, trường Tiểu học Bãi Cháy, TP Hạ Long cũng ghi nhận 67 ca mắc. Một số trường học khác cũng ghi nhận lẻ tẻ các ca mắc cúm mùa.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân mắc cúm thông thường điều trị từ 5 đến 7 ngày sẽ khỏi. Người bị cúm mùa có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen để giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người. Nhưng, đối với các đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh nền, tiền sử dị ứng thuốc cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tốt hơn hết nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh  bệnh trở nặng, nhất là thời điểm này, ngoài mắc cúm, nhiều người vẫn có thể mắc COVID-19.

Người dân khi ra đường hay đến chỗ đông người nên đeo khẩu trang, khi phát hiện ho sốt nên đến bệnh viện, cơ sở y tế khám. Đồng thời nên thực hiện tiêm phòng vaccine phòng cúm. Việc tiêm vaccine vẫn rất quan trọng vì nó cung cấp khả năng bảo vệ rộng hơn chống lại các chủng virus cúm khác nhau.

Theo các bác sĩ, có thể bị cúm nhiều hơn một lần trong một mùa. Vaccine hiện tại bảo vệ chống lại 4 chủng: 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn