MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rước hoạ vào thân vì những điếu thuốc lá tử thần

NGUYỄN LY LDO | 01/06/2022 19:42

TPHCM – Tại các khoa hô hấp của nhiều bệnh viện lớn tại TPHCM, số lượng bệnh nhập nội trú và ngoại trú  vì các bệnh lý liên quan đến thuốc lá ngày càng đông. Có nhiều bệnh nhân bị biến chứng để lại di chứng suốt đời, thậm chí là tử vong.  

Sau nhiều năm hút thuốc lá, ông Nguyễn Văn M (53 tuổi, Quận Bình Tân TPHCM) bắt đầu xuất hiện những triệu chứng ho kéo dài, đờm đặc… mỗi lần hút xong thuốc lá cảm thấy tức ngực nên quyết định đi khám bác sĩ. 

Tại phòng đo chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, anh M được các bác sĩ cho chụp X-quang, kiểm tra chức năng hô hấp. 

“Thực ra tôi cũng có lần muốn bỏ thuốc rồi, nhưng ngồi với bạn bè hút lại quen đường cũ hút lại. Sau nhiều lần như vậy thì sức khoẻ của tôi giờ thực sự có vấn đề mỗi lần hút xong thuốc”, ông Mạnh chia sẻ. 

TS.BS Thái Thị Thuỳ Linh - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mỗi ngày có nhiều bệnh nhân chủ yếu là nam và ở mọi lứa tuổi đến bệnh viện thăm khám. Nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ bệnh được kiểm soát sau thời gian điều trị nên tiếp tục hút thuốc lại, việc này dẫn đến đường hô hấp bị tổn thương phải nhập viện cấp cứu. Với những trường hợp này nếu được can thiệp kịp thời sẽ giải phóng được đường thở, còn không kịp thì đường thở của bệnh nhân sẽ co thắt lại, rất nguy hiểm.

  Bệnh nhân hút thuốc lá lâu năm được bác sĩ thăm khám. Ảnh: NL

Thuốc lá hiện nay có 4.000 độc chất, trong đó có 50 chất gây ung thư, bệnh cảnh hay gặp nhất là hen phế quản mãn tính. Nhiều bệnh nhân trước đây mắc bệnh nền như hen phế quản, nhưng không để ý tới nên khi hút thuốc lá sẽ khởi phát những cơn khởi cấp đường hô hấp bất ngờ, khi nhập viện muộn khả năng bình phục là rất thấp. 

Cũng theo các bác sĩ, ngoài những biến chứng về đường hô hấp, hút thuốc lá lâu năm sẽ gây xơ vữa mạch mãn tính, không chỉ mạch vành mà tất cả các mạch máu trong cơ thể sẽ hình thành các mảng xơ vữa và dần dần hẹp lại. Bệnh nhân sẽ có đợt cấp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. 

Những bệnh lý này cần được khắc phục như bệnh nhân không được hút thuốc lại, nếu không sẽ tái hẹp rất nhanh, kể cả bệnh nhân đặt stent thành công sẽ tái hẹp nhanh và có thể gây ra tái phát nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong. Hoặc bệnh nhân có thể nhồi máu não, nằm tại chỗ, liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt được. 

WHO nhận định, sau đại dịch COVID-19 sẽ đến đại dịch của các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, rối loạn chuyển hóa, huyết áp, béo phì, tiểu đường… 70% người bệnh ở bệnh viện là người mắc các bệnh không lây nhiễm này.

TS.BS Thái Thị Thuỳ Linh cho biết, hành trình cai thuốc lá phụ thuốc lớn vào sự quyết tâm của người bệnh, bởi khi ngưng thuốc lá sẽ xuất hiện hội chứng cai thuốc lá, bệnh nhân sẽ có cảm giác bứt rứt, khó chịu thậm chí là cáu gắt. Lúc này, các bác sĩ sẽ thông báo cho người nhà biết nếu bệnh nhân khó chịu quá, không cưỡng lại được thì cho bệnh nhân đi chơi thể thao, hoặc vận động làm việc gì đó để bớt đi cảm giác lệ thuộc vào thuốc lá. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn