MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Nam Thái

Sản phụ hồi phục thần kỳ sau khi phổi đã tổn thương nặng vì COVID-19

Nguyễn Ly LDO | 30/08/2021 13:42

Sản phụ nhiễm COVID-19 nặng, máy móc hỗ trợ tưởng như không có tác dụng, cái chết đến rất gần, nhưng đã hồi phục một cách kì diệu sau khi được lực lượng y tế cố gắng cứu chữa.

Sản phụ hồi phục thần kỳ khi phổi đã thương tổn nặng vì COVID-19. Ảnh: Nam Thái

Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV) đóng tại Bệnh viện Quốc tế City đi vào hoạt động 3 tuần. Mới đây, Trung tâm đã lập được kỳ tích khi cứu sống phụ nữ mang thai mắc COVID-19 nặng.

Trước khi nhập viện, thai phụ là chủ một dãy trọ không thu phí người thuê và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho mọi người. Nhưng trong dãy trọ có một người bị dương tính với virus SARS-CoV-2, sản phụ đang mang thai không may đã dương tính, trở nặng và nhập viện ngay sau đó. Thai nhi 29 tuần tuổi không may đã tử vong.

PGS.TS. BS Lê Minh Khôi - Trưởng phòng Khoa học và đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết: “Sản phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu để cứu ca này. Lúc đó, chỉ nghĩ cứu nhân đạo là chính, vì ai nấy cũng đều không dám nói ra sự vô vọng có thật”.

Đứng trước lằn ranh sinh tử, Trung tâm đã cứu sống sản phụ ở một khe rất hẹp của sự sống. Hàng chục các y, bác sĩ hội chẩn liên tục phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau để níu chút hy vọng mong manh. Như một phép màu sau những giây phút căng thẳng, có đôi khi là sợ hãi thì bệnh nhân đã bắt đầu có sinh hiệu ổn định, chức năng sống phục hồi trở lại. “Đó có lẽ là phúc rất lớn của một người phụ nữ sống rất có tâm đức. Chúng tôi đã nghĩ cô ấy không thể qua khỏi. Đây là kỳ tích đầu tiên chúng tôi lập được”, BS Khôi chia sẻ thêm.

Sau 3 tuần hoạt động đã có 21/101 người bệnh được điều trị và chuyển xuống tuyến dưới. Hiện có 50 người bệnh thở máy và 49 người bệnh thở HFNC.

Phát biểu về những khó khăn của Trung tâm, bác sĩ Lê Minh Khôi cho hay: “Chúng tôi rất cần các bác sĩ hồi sức tích cực. Thông thường phải mất 5-7 năm để đào tạo một bác sĩ hồi sức tích cực. Trong thời gian gấp gáp này, chúng tôi phải chọn nhân lực, đào tạo trên mô hình và đưa vào làm thực tế, cầm tay chỉ việc”.

Điều truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ ngày đêm chiến đấu trong phòng bệnh chính sự là sự hồi phục của các bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn