MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Sắp nghỉ lễ 30.4, cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao trước COVID-19

Thùy Linh LDO | 22/04/2023 17:44

Theo WHO, ở thời điểm hiện tại, 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng của vaccine COVID-19 là sự biến đổi thường xuyên, liên tục của virus SARS-CoV-2 với các biến chủng mới tăng khả năng lây lan và sự giảm kháng thể, khả năng bảo vệ chống nhiễm SARS-CoV-2, tái mắc COVID-19.

Do đó, tại thời điểm này, chưa thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với COVID-19, chưa thể xác định việc loại trừ COVID-19.

Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, như: Người già, người có bệnh mãn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Việc tiêm vaccine COVID-19 cho 100% đối tượng có nguy cơ cao bao gồm cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc, sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, có xu hướng giảm theo thời gian cả về số mắc và phạm vi địa lý.

Tuy nhiên, trên cả nước vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới COVID-19, trong khi thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh cũng như làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chỉ Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn tạo các làn sóng tăng, giảm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa công bố hết dịch vì tình hình vẫn chưa ổn định.

Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường. Một trong những nguyên nhân tăng đột biến ca nhiễm, do miễn dịch từ tiêm vaccine và nhiễm COVID-19 suy giảm, cùng với việc người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan.

Đặc biệt, hiện nay triệu chứng COVID-19 như cúm, phần lớn mọi người tự điều trị hoặc không test COVID-19, nên virus càng lây lan nhanh hơn khi không có biện pháp đề phòng.

Thực tế hiện nay, nhiều người có bệnh nền cũng không tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 vì cho rằng bệnh nhẹ, không mắc lại hoặc vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ làm cơ thể yếu đi… Tuy nhiên, có người mắc lần hai đã phải nhập viện vì miễn dịch của vaccine đã kém đi, gây bệnh nặng hơn.

Tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù những ca mắc đợt này đều có triệu chứng nhẹ nhưng không chủ quan bởi những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, bệnh nền thì triệu chứng nặng lên khi nhiễm COVID-19.

“Đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới, tuy nhiên, không quá quan ngại bởi chúng ta có lợi thế hiểu biết về COVID-19 và năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng linh hoạt hơn. Dù số ca mắc có gia tăng nhưng không để bùng dịch lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch trước đây” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Chuyên gia này khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, phải chủ động dự phòng vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn.

Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 nên test nhanh để có biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm. Đặc biệt là người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.

Chuyên gia khuyến cáo cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế.

Để dịch bệnh không ảnh hưởng đến cuộc sống, các địa phương cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…). Đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có tử vong khi mắc COVID-19.

Hiện nước ta chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine COVID-19. Đây vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn