MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM. Ảnh: Bộ Y tế

Số ca mắc COVID-19 tại TPHCM có thể tăng trong tuần tới, sau đó sẽ giảm

Huyên Nguyễn LDO | 15/07/2021 18:42
Số ca mắc COVID-19 tại TPHCM trong những ngày tới dự kiến sẽ còn tăng cao, sau đó mới có thể giảm xuống - Đó là nhận định của ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn trong những ngày tới.

Số ca có thể tăng thêm 9.000 nhưng sau đó sẽ giảm

Chiều 15.7, TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 07 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2021.

Tham dự cuộc họp có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong.

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Qua 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 đã đạt được nhiều kết quả, trong đó nổi trội nhất là hạn chế mức thấp nhất lây lan F0 trong cộng đồng.

Mặc dù trong 7 ngày qua, số ca dương tính được phát hiện lên đến 9.454 ca, bình quân mỗi ngày 1.350 ca nhưng điều này cũng đã hạn chế mức thấp nhất được sự lây lan trong cộng đồng. Khi phát hiện xác định F0 được đưa vào khu cách ly, đồng thời khoanh lại các điểm, khu vực liên quan để phong toả, tập trung biện pháp xử lý.

Số ca mắc COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng tại các quận huyện của TPHCM từ 9.7 đến 14.7. Nguồn: Sở TTTT

"Với một số lượng như vậy chúng ta thấy rằng nguồn lây đã có sự tiềm ẩn âm thầm trong người dân. Cho đến bây giờ đánh giá, tôi nghĩ rằng trong 7 ngày tới, chúng ta có thể sẽ phát hiện khoảng 9.000 người nữa mới giải quyết cơ bản tình hình, sau đó mới trở lại mức độ thấp được", ông Châu nhận định.

This browser does not support the video element.

Ông Ngô Minh Châu nhận định về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Video: Chân Phúc

Ông Châu cũng nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa tới phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, quan tâm tới cả vấn đề đời sống, nhà trọ của công nhân bởi các khu ở thường chật hẹp, rất dễ xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. Công tác lấy mẫu cũng cần đảm bảo, tập trung, có trọng điểm.

Cân nhắc mở chợ truyền thống

Để không xảy ra khan hiếm hàng hoá lương thực, thực phẩm, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết phải có tính toán cụ thể giữa hệ thống phân phối lương thực thực phẩm với nhu cầu của người dân trên từng địa bàn, trải dài trên 22 quận huyện. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tổ chức xe bán hàng lưu động để giải quyết được nguồn cung hàng hoá.

Ông Phong cũng nhắc nhở Sở Công Thương xem xét đề xuất mở lại chợ truyền thống thì cần thận trọng khi còn nhiều những lo ngại. "Nghiên cứu tổ chức bán hàng ở quảng trường, con đường, đảm bảo khoảng cách khi đi vào mua thay vì mở cửa buôn bán trong chợ", ông Phong giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương.

Triển khai tiêm vaccine cho số lượng lớn người dân

Về triển khai tiêm vaccine COVID-19, Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức TPHCM cho biết đã thành lập trung tâm điều phối vaccine. Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng với quy mô hơn 1 triệu liều đảm bảo tiến độ, hiệu quả, an toàn, không tập trung đông người. TPHCM sẽ triển khai tiêm tại 312 trạm y tế trên địa bàn và bố trí tiêm cả tại bệnh viện cho những người có chỉ định tiêm tại cơ sở y tế. Mỗi trạm được tổ chức giãn cách và chỉ tiêm cho 120 người thay vì mức 200 người được Bộ Y tế cho phép.

Theo đánh giá, số lượng người dân được tiêm đợt này là cao nhất. Dự kiến sau 2-3 tuần sẽ tiêm hết số vaccine phân bổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn