MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia tăng số lượng người già, trẻ nhỏ nhập viện do rét đậm kéo dài.

Số người già, trẻ nhỏ miền núi nhập viện tăng cao do rét đậm kéo dài

Nguyễn Tùng - Nguyễn Hoàn LDO | 31/01/2023 14:06
Từ đầu Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết rét đậm kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm gia tăng số lượng người già và trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị chủ yếu liên quan đến hô hấp. 

Ghi nhận của PV sáng 31.1 tại Khoa Lão khoa - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, có hàng chục bệnh nhân đến khám, chủ yếu là người cao tuổi. Trong số này, không ít trường hợp đã phải nhập viện điều trị vì các triệu chứng hô hấp cấp tính.

Ông Vũ Tiến Dũng, 77 tuổi (phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên) đang điều trị ở khoa Lão khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã gần 1 tuần nay. Thời tiết rét đậm đầu Tết Nguyên đán đã khiến bệnh viêm đường hô hấp của ông tái phát.

"Từ mùng 4 khi có không khí lạnh tăng cường là tôi đã thấy khó thở rồi, chân tay thì lạnh cóng. Về chiều tối và sáng sớm là không thở được nên mùng 6 là phải nhập viện luôn, vào đây được điều trị kịp thời nên sức khoẻ tốt hơn" - ông Dũng cho hay.

Ông Dũng nhập viện với các triệu chứng ho, khó thở do nhiệt độ xuống thấp. 

Bác sĩ Bạch Thị Tuyết Chinh, Khoa Lão khoa - Bảo vệ sức khoẻ cho biết, chỉ tính riêng từ ngày 27.1 đến nay, Khoa đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân là người cao tuổi đến điều trị các bệnh về hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết rét đậm.

"Hệ hô hấp của người già đã yếu nên sức chống chịu với thiết tiết rét đậm sẽ kém hơn người trẻ tuổi. Các triệu chứng nhận biết là ho nhiều, khó thở, thậm chí không thể tự thở mà phải nhờ tới các biện pháp trợ giúp như máy trợ thở. Nếu không điều trị kịp thời có thể diễn biến xấu" - bác sĩ Chinh thông tin.

Cũng theo bác sĩ Chinh, khi người bệnh có các dấu hiệu nặng cần được đưa tới cơ sở y tế để điều trị ngay. Ngoài ra ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao là rất quan trọng bởi đây nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não hoặc đột quỵ.

Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, thống kê của ngành Y tế cho thấy, từ ngày 21 đến ngày 29.1 đã có trên 2.200 bệnh nhân vào viện điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Chủ yếu là bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, tim mạch.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và giữ ấm cơ thể đặc biệt ở người nhà và trẻ nhỏ để phòng tránh các bệnh do thời tiết rét đậm. 

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang trong những ngày đầu năm mới 2023 đã có gần 100 trẻ em nhập viện, chủ yếu do các bệnh về suy hô hấp, tiêu chảy, viêm phổi, viêm phế quản. Đa số này do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài.

Anh Triệu Phương Tăng (huyện Lâm Bình) có 2 con nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết, thời tiết trên huyện vùng cao lạnh quá, hai đứa nhỏ (3 tuổi và 6 tháng tuổi) đều viêm họng, sốt cao, viêm phổi nặng. Điều trị ở huyện không đỡ nên gia đình phải đưa các cháu xuống tỉnh điều trị.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu thời tiết rét đậm còn tiếp tục kéo dài, đặc biệt tại khu vực núi cao sẽ khiến gia tăng các trường hợp người già, trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị liên quan tới hô hấp, tim mạch hoặc tiêu chảy.

Để phòng ngừa, trong những ngày lạnh, cần luôn giữ ấm cơ thể và không thay đổi nhiệt độ đột ngột. Rất nhiều trường hợp người già đột ngột ra khỏi nhà khi trời lạnh, không mặc áo ấm đã bị nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não dẫn đến hôn mê.

Những ngày thời tiết rét đậm, cần tăng cường các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn. Giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tối đa thực phẩm cay nóng và các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi ngoài việc đảm bảo nhiệt độ phòng, nhiệt độ cơ thể ổn định, chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì cha mẹ cần thuờng xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu ho nhiều, tím tái và quấy khóc thì cần đưa ngay tới cở sở y tế để thăm khám điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn