MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Sớm ban hành quy định giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19

Lệ Hà - Đức Thành LDO | 29/10/2021 12:02
Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật

Sáng 29.10, tại hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành tạm quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Chính phủ đã đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành tạm quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đến nay, đã có 40 tỉnh, thành công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP. Ảnh: LH

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Việc phân vùng cấp độ dịch căn cứ vào chuyên môn kỹ thuật như tỉ mắc, tỉ lệ tiêm chủng, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế… Không phải nước nào cũng sử dụng tất cả 4 chỉ số nhưng cơ bản đều sử dụng các chỉ số mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khyến cáo. Có nước 3 vùng, nước 4 hoặc 5. Việt Nam khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt. UBND tỉnh quyết định chuyển đổi cấp độ dịch, trong trường hợp nâng cấp độ dịch bệnh, phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ.

Về cách ly y tế: Căn cứ vào luật truyền nhiễm, kinh nghiệm… các nước và Việt Nam đều cách ly như Việt Nam đang áp dụng. Vẫn phải thực hiện cách ly 14 ngày với F1 kể cả tiêm đủ liều vaccine vì đã tiêm vẫn có nguy cơ làm lây nhiễm, chỉ giảm khả năng khi bị bệnh có thể nhẹ hơn.

Về xét nghiệm, cơ quan y tế chủ động xét nghiệm ngẫu nhiên khu vực nguy cơ cao như bến xe, bệnh viện… Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và người đã khỏi bệnh: Chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ các địa bàn ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng.

Đang xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về việc kế hoạch dự trù mua sinh phẩm, thiết bị y tế cho năm 2022, hiện nay còn 2 tháng nữa là hết năm, nếu không có kế hoạch sẽ không kịp việc mua sắm cho năm 2022, sẽ dẫn đến tình trạng loạn giá xét nghiệm sinh phẩm; theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện về giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Hiện nay, Bộ thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, cấp số lưu hành test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BYT, Thông tư 30/2015/TT-BYT; Nghị định số 36/2016/NĐ-CP…

Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore… và sản xuất trong nước) gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể.

Ngoài ra, các đơn vị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ và Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương thẩm định và cấp phép cho các test xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định, tính đến ngày 20.10.2021, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (Bộ Y tế đã đăng tải trên Cổng TTĐT của Bộ).

Nhìn chung, giá test phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường như: Nguồn gốc quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, thời điểm đặt hàng và số lượng đặt hàng… khác nhau thì giá test khác nhau. Thông thường, giá test sản xuất tại một số nước Châu Á rẻ hơn giá test sản xuất tại các nước Châu Âu, Mỹ. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, nhu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng thì giá cao, ngược lại giá sẽ giảm…

Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn về chuyên môn: Khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) mẫu đơn, mẫu gộp. Đồng thời, Bộ cũng có văn bản hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm (trường hợp làm mẫu gộp, chi phí xét nghiệm sẽ thay đổi tùy vào số lượng mẫu gộp).

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, áp dụng với các cơ sở y tế khi thực hiện xét nghiệm cho người bệnh đến khám chữa bệnh (kể cả người có bảo hiểm y tế và người không có bảo hiểm y tế). Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành, đăng trên Cổng TTĐT để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.

Bộ Y tế đang cùng Bộ Tài chính đã dự thảo để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, trong điều kiện dịch, vẫn theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế như hiện nay.

Có 2 vaccine được phê duyệt cho trẻ em

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trước tình hình diễn biến của dịch, Việt Nam tích cực nghiên cứu sản xuất vaccine (hiện có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất), đồng thời chủ động tiếp cận các nguồn vaccine khác nhau. Việt Nam đã phân bổ vaccine cho các địa phương. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp quyết định tiêm cho trẻ theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao.

Hiện mới có 2 loại vaccine phòng COVID-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương cập nhật số liệu để báo cáo. Khi có số liệu trẻ em tiêm, Bộ Y tế sẽ xem xét tình hình để phân bổ sao cho hợp lý. Ngay trong chiều 29.10, Bộ Y tế sẽ tập huấn tiêm vaccine cho trẻ em, trong đó có việc đảm bảo an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn