MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sốt thông thường và COVID-19, nhận biết sớm tránh biến chứng cho trẻ

NGUYỄN LY LDO | 03/11/2021 11:21

TPHCM - Thời điểm giao mùa, các bệnh liên quan đến sốt xuất huyết, cúm thông thường và COVID-19 có một số triệu chứng gần giống nhau, phụ huynh cần đưa con đi khám kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.

Phân biệt các bệnh thông thường và COVID-19

Từ khi Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM bắt đầu khám bệnh trở lại sau lệnh giãn cách, số lượng khám tăng gấp 2 đến 3 lần trước đó.

Để đảm bảo an toàn, bệnh viện đã thực hiện quy trình khám sàng lọc triệt để. Trong quá trình này, ghi nhận có nhiều bệnh nhi có biểu hiện sốt, ho và nghi ngờ mắc COVID-19.

Phụ huynh nghi ngờ con nhiễm COVID-19 nên đưa đi khám. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo chị Lê Thị Thanh Vân (quận Gò Vấp, TPHCM), từ sáng sớm, con trai 7 tuổi của chị nhập bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng sốt liên tục, chóng mặt, đau đầu và có tiền sử co giật khi bị sốt.

Theo chia sẻ, gia đình chị Thanh Vân có người mắc COVID-19, thấy con có nguy cơ cao nên chị vội vàng đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả dương tính với COVID-19 nên bé đã được chuyển sang khu điều trị COVID-19 để tiếp tục điều trị.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM ghi nhận từ 15-20 trường hợp trẻ mắc COVID-19, đa phần lây từ gia đình.

Tuy nhiên, cũng không ít trẻ mắc các bệnh lý như bệnh cúm, sốt xuất huyết… mà bị lầm tưởng là nhiễm COVID-19 nên gia đình đưa đi bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: “Trong bệnh lý nhiễm COVID-19, em bé có thể sốt, thường thì không sốt cao. Những bệnh lý sốt xuất huyết bé có triệu chứng sốt cao, cơn sốt thường 39-40 độ, cứ khoảng 3-4 tiếng, bé có 1 cữ sốt. Khi vừa hạ sốt xong, bé lại sốt trở lại, đó là đặc trưng của sốt xuất huyết”.

Đồng thời, khi bệnh nhi nhiễm COVID-19 thường bé sẽ có triệu chứng đau họng, rát họng. Còn đối với sốt xuất huyết triệu chứng này không nổi bật.

Triệu chứng ho ở bệnh lý nhiễm siêu vi khác như cảm cúm, sốt xuất huyết thường ho không phải là triệu chứng rõ rệt ngoại trừ trường hợp bội nhiễm vi trùng. Còn trong bệnh lý nhiễm COVID-19 triệu chứng ho nổi bật, thường không giảm ho bằng các loại thuốc thông thường.

“Với những trường hợp dễ bị nhầm lẫn trên, các bác sĩ sẽ điều tra bệnh sử thật kỹ và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác bé bị bệnh lý thông thường hay COVID-19. Từ đó có những chỉ định điều trị kịp thời, nhanh chóng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ thêm.

Trẻ âm tính COVID-19 nhưng sốt trở lại, phụ huynh chớ coi thường

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP vừa tiếp nhận một bệnh nhi là một bé trai 8 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM trong tình trạng bé sốt cao liên tục hơn 5 ngày, ói, đi tiêu lỏng như nhiễm trùng tiêu hóa. Sau đó, bệnh tiến triển phản ứng viêm toàn thân, ảnh hưởng đa cơ quan.

Kết quả xét nghiệm PCR của bé âm tính, nhưng đo nồng độ kháng thể nCoV lại cao tương đương với sức miễn dịch của một người được tiêm vắc xin hoặc đã từng là F0. Các bác sĩ dự đoán bệnh nhi có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em, liên quan hậu COVID (MIS-C).

Các bác sĩ đưa ra phương án lọc máu để cứu sống bệnh nhi. Phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, đã theo sát quá trình điều trị của bé. Sau 12 ngày sốt cao và hôn mê, cháu bé có những dấu hiệu tiến triển khả quan. Các phản ứng viêm quá mức được kiểm soát và khống chế.

Sau 1 tuần lọc máu, bé trai nhanh chóng ổn định, cai máy thở và trở về trạng thái bình thường. Dự kiến, bệnh nhi sẽ xuất viện trong 1 vài ngày tới. Đây là trường hợp trẻ nhỏ đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và giải quyết tình trạng viêm đa hệ thống sau mắc COVID-19.

Theo Bệnh viện Nhi đồng TP, những nghiên cứu về ảnh hưởng hậu dịch còn lẻ tẻ và chưa nhiều chứng cứ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng về mức độ nghiêm trọng và sức tàn phá hậu COVID-19. Những tác động không chỉ là sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, trong đó có trẻ em.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, CDC Mỹ và các đối tác đang điều tra một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến COVID-19 ở trẻ em được gọi là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

Hiện tại, CDC Mỹ vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra MIS-C và đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn