MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần, Cần Thơ khẩn cấp cảnh báo

Phong Linh LDO | 31/03/2023 08:53
Ngành Y tế TP Cần Thơ thông tin, tình trạng sốt xuất huyết tại địa phương ngày càng phức tạp, khuyến cáo bậc phụ huynh không được chủ quan trong việc phòng bệnh cho trẻ.

Tăng gấp 5 lần năm ngoái

Thông tin từ Bộ Y tế cung cấp về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Riêng tại TP Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng thống kê 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng bệnh sốt huyết nhập viện tăng 3,78 lần (trong đó sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5,5 lần) so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 2 trường hợp tử vong.

Trước diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ngành Y tế TP Cần Thơ đã có thông tin cảnh báo đến người dân trong việc phòng ngừa và điều trị sốt xuất huyết, đặc biệt là khi bệnh trở nặng. Bác sĩ Chuyên khoa II Trương Cẩm Trinh - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ - cho biết, hầu hết ca sốt xuất huyết đều có biểu hiện điển hình là sốt cao kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn... Các dấu hiệu chuyển nặng: đau bụng dữ dội, nôn ra máu; nôn mửa liên tục; chảy máu lợi, chân răng; thở gấp; mệt mỏi, bồn chồn; da lạnh ẩm.

Những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết trở nặng do tự ý dùng thuốc ibuprofen và aspirin hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa. Nhiều trường hợp tự ý tăng liều hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…

Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân nghĩ rằng, hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại. Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, thân nhiệt giảm không có nghĩa người bệnh đang hồi phục.

"Khi nghi ngờ sốt xuất huyết nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra: Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không; chảy máu nặng; tổn thương tạng nặng" - bác sĩ Trinh cho hay. 

Sốt xuất huyết tại Cần Thơ nặng tăng hơn 5 lần so với năm ngoái. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

"Một số ít người dân còn lơ là trong việc nhận định và điều trị sốt xuất huyết. Mặt khác khi điều trị ở nhà thì không được theo dõi hợp lý gây diễn biến nặng, đến bệnh viện thì đã trễ dẫn đến hiện tượng sốc sốt xuất huyết" - bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ.

Ngành Y tế cũng đặc biệt khuyến cáo các bậc phụ huynh không được chủ quan trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho trẻ. Riêng trường hợp nhẹ, được bác sĩ cho theo dõi tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol đúng cách để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao.

Chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có khoảng 600 ca sốt xuất huyết. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Cái Răng, Cờ Ðỏ...

Nhằm chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết có khả năng bùng phát vào những tháng đầu mùa mưa, đồng thời kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng vào các ngày lễ lớn sắp tới, ngành Y tế triển khai thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết và Zika dựa vào cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ bắt lăng quăng tại quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Ảnh: Lê Duy

"Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng đã có kế hoạch thực hiện đợt tổng vệ sinh môi trường ở xã phường trọng điểm, tăng cường các đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các xã phường có ổ dịch để xử lý kịp thời, không để lây lan và bùng phát" - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Cần Thơ, thông tin. 

Chiến dịch chia làm 2 đợt: đợt 1 đã thực hiện từ ngày 16 đến 18.3.2023 và đợt 2 từ ngày 30.3 đến ngày 1.4.2023 trên toàn thành phố.

Chiến dịch nhằm huy động hưởng ứng của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, trường học, khu công nghiệp đến người dân, tạo phong trào chủ động trong công tác phòng chống dịch tại cộng đồng, đặc biệt ở các xã/phường/thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn