MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, gần 300 ổ dịch đang hoạt động

Hương Giang LDO | 07/10/2023 18:04

Theo Sở Y tế Hà Nội, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng mạnh. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không được lơ là chủ quan trong phòng chống dịch.

Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9.2023 có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9.2023.

Ngoài ra, tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Oai…

Hiện nay, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 2670/QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue”, các nhân viên y tế không chỉ chuyên ngành truyền nhiễm, mà các chuyên khoa khác như nội, hồi sức cấp cứu, nhi khoa... đều phải cập nhật theo đúng hướng dẫn mới này.

Các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn, đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, dịch truyền cũng như các chế phẩm máu... để có thể sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Về phía cơ quan quản lý, để phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về việc thực hiện đợt cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2023.

Theo đó, thời gian đợt cao điểm truyền thông là trong tháng 10.2023 với các nội dung chính như tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.

Những thông tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết, tính chất nguy hiểm và nguy cơ tử vong của bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng của bệnh, sự cần thiết điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, những việc cần làm ngay khi mắc bệnh.

Thông tin công khai diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương; Các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; nỗ lực của ngành y tế thành phố trong phòng dịch và điều trị các ca bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cảnh báo các trường hợp chủ quan, lơ là, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc làm dịch bệnh lây lan.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ nhất đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục. Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm.

Thứ nhất, virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết.

Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn