MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự cố y khoa: Cần thẳng thắn nhìn vào sự thật và công khai xin lỗi

NGUYỄN LY LDO | 26/05/2022 18:23
TPHCM - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều sự cố y khoa. Sự cố y khoa đang gây áp lực rất lớn lên các y bác sĩ, làm sụt giảm sự hài lòng của người bệnh đối với ngành y.

Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Sự cố này có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh.

Khi xảy ra sự cố, nếu không được giải quyết hợp lý, đúng luật sẽ gây mất trật tự an ninh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trao đổi tại hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” diễn ra vào ngày 26.5 tại TPHCM, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự cố y khoa gồm: Chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc... Thậm chí, một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến sự cố y khoa.

Qua cuộc khảo sát gần đây nhất của Tổ Chức Y tế Thế giới, có 92% nhân viên y tế đã từng chứng kiến, gặp phải, thậm chí gây ra sự cố y khoa. Trong đó, không ít trường hợp nhân viên y tế vì bị áp lực quá lớn từ mọi phía dẫn đến bỏ nghề. Điều này rất lãng phí nhân lực sau nhiều năm đào tạo. 

Đồng quan điểm, BS.CKII Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM - dẫn một khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Sự cố y khoa được phân thành 3 nhóm: Theo mức độ tổn thương, theo nhóm nguyên nhân và theo nhóm sự cố.

Sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%. Trước những tác hại to lớn của sự cố y khoa, BS Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. “Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra” - BS Long nhấn mạnh.

Một thực tế hiện nay là khi xảy ra sự cố y khoa, thường được dư luận đổ lỗi cho nhân viên y tế thay vì tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết. 

BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - chia sẻ, những lỗi thường gặp trong sự cố y khoa thường có sự ngộ nhận của người bệnh, có khuynh hướng đổ lỗi cho bác sĩ. 

“Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh, đặc biệt là loại bỏ văn hóa buộc tội. Bên cạnh đó, phải đề cao văn hóa tôn trọng, thông hiểu về các vấn đề sự cố và tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ từ phía gia đình người bệnh” - BS Hằng bày tỏ.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư thì dễ sập tiệm, bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh sự cố y khoa. “Nếu xảy ra sự cố y khoa thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân” - ông Khuê nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn