MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương đang được cách ly, theo dõi điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên.Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Sức khỏe của bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương hiện ổn định

ĐÌNH TRỌNG LDO | 26/09/2023 10:05

Ngày 26.9, bác sĩ Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, chị N.K.L (22 tuổi, ở trọ tại khu phố Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, hiện tình hình sức khỏe ổn.

Bệnh nhân N.K.L đang được cách ly và điều trị tại Khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên, hiện nay sức khoẻ của bệnh nhân ổn định và đang được theo dõi điều trị.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân, cộng đồng về các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Y tế Bình Dương cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì và hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn đúng theo quy định.

Sở Y tế Bình Dương họp khẩn để bàn giải pháp theo dõi giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Khi phát hiện trường hợp bệnh: Khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Đồng thời, tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; Tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương đang được cách ly theo dõi điều trị tích cực tại Trung tâm y tế thành phố Tân Uyên.Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Trước đó, Báo Lao Động đã đưa tin, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Bình Dương là chị N.K.L (22 tuổi). Chị L là bạn gái của bệnh nhân L.V.T., 25 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên của Đồng Nai.

Cơ quan chức năng đã khẩn trương điều tra ca bệnh, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường xung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân. Đồng thời, lập danh sách để theo dõi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm mẹ và em gái ở cùng nhà trọ.

Khu vực cách ly tại Khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Cơ chế lây nhiễm và triệu chứng

Đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi:

+ Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ.

+ Tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu khỉ.

+ Ôm, xoa bóp, hôn. Nói chuyện gần gũi qua các giọt đường hô hấp hoặc dịch miệng của người bị bệnh đậu mùa khỉ.

+ Tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi một người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống…

Giai đoạn phát bệnh - từ 2 đến 4 tuần:

+ Sau khi hạ sốt, xuất hiện phát ban tiến triển từ dát → sẩn → mụn nước → mụn mủ → lõm, đóng vảy → bong vảy. Có thể cùng xuất hiện ban ở nhiều giai đoạn khác nhau trên cơ thể.

+ Ban phân bố từ mặt lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tổn thương cũng có thể xuất hiện trên màng nhầy, kết mạc, giác mạc trong miệng, trên lưỡi và trên cơ quan sinh dục.

+ Tổn thương có đường kính từ 0,5 - 1cm và số lượng từ một vài đến vài nghìn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn