MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh lý tăng huyết áp. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Tăng huyết áp âm thầm tấn công người trẻ

NGUYỄN LY LDO | 14/05/2024 19:45

Theo Hội Tim mạch TPHCM, có 1/3 trường hợp không biết bản thân bị tăng huyết áp; 1/3 trường hợp mắc bệnh, nhưng không điều trị, số trường hợp điều trị và kiểm soát huyết áp còn chưa cao. Trong số đó, không ít người trẻ bị tăng huyết áp.

Chị Hoàng Thị Lam (33 tuổi, tỉnh Đồng Nai), trong một lần đi khám sức khỏe được bác sĩ cho biết, chị mắc bệnh cao huyết áp, cần uống thuốc huyết áp và điều chỉnh chế độ sinh hoạt để an toàn cho sức khỏe của mình.

Thời gian đầu, chị Lam rất tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám thường xuyên với bác sĩ. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm chị thấy sức khỏe bình thường, không có biểu hiện bệnh nên quyết định không uống thuốc.

“Mỗi lần đi khám sức khỏe, mình đều được đo huyết áp, nếu được báo tăng thì lại uống thuốc. Nhưng giờ lúc nhớ, lúc quên uống nên đôi khi thấy ai cứ nói bị đột quỵ, hay mắc bệnh này, bệnh kia do huyết áp biến chứng ra, mình cũng e ngại bệnh của mình”, chị Lam chia sẻ.

Bệnh tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến ở những người lớn tuổi. Những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa, nhưng vì triệu chứng ít nên không mấy người quan tâm sát sao đến bệnh này.

GS-TS-BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ đột quỵ do biến chứng của tăng huyết áp ở mức cao, nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh.

Đáng chú ý, thời gian qua, tại một số bệnh viện lớn ở TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp từ 25-35 tuổi đột quỵ, xuất huyết não, trong đó, nhiều trường hợp có nguyên nhân do bị tăng huyết áp nhưng không biết bệnh hoặc chủ quan.

Bác sĩ Thượng Thanh Phương - Trưởng Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết, đối với người lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp có đến 90% trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Tuy nhiên, khi một người trẻ tuổi (dưới 30 hoặc 40) được chẩn đoán tăng huyết áp thì bác sĩ sẽ phải tìm nguyên nhân. Bởi người trẻ mắc huyết áp thường liên quan đến một số bệnh lý về thận, nội tiết (tuyến thượng thận, tuyến giáp…), hẹp van động mạch chủ…

Nếu tìm được nguyên nhân thì tùy thuộc vào từng bệnh lý sẽ có chiến lược điều trị thích hợp. Trong trường hợp nếu tìm hết các nguyên nhân không phát hiện, người trẻ đó mới được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp và phải uống thuốc dài hạn.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh tăng huyết áp, đặc biệt ở người trẻ cần có lối sống lành mạnh (không hút thuốc, rượu bia, hạn chế thức khuya; tập luyện thể thao mỗi ngày từ 30-45 phút…).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn