MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng lương cơ sở ra sao để giữ chân người giỏi ở bệnh viện công?

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 14/10/2022 18:04

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội trong kỳ họp tới xem xét, quyết định việc tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế. Vậy mức tăng cụ thể nên thế nào để giữ chân được bác sĩ giỏi?

Cần tham khảo thêm cách tính và chi trả lương của khu vực tư nhân

Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, bà Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, nguyên nhân chính là do chính sách tiền lương ở khu vực công hiện nay còn thấp, không bảo đảm mức sống.

Theo bà Yên, đội ngũ công chức, viên chức là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm, song thực tế cho thấy, mức độ đãi ngộ chưa tương xứng với họ.

Trong khi đó, khu vực tư nhân sẵn sàng tuyển chọn những người làm việc trong khu vực công với mức lương hấp dẫn hơn kèm theo đó là đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập và thăng tiến.

"Việc cải cách tiền lương, gắn liền với việc xác định vị trí công tác là rất quan trọng, làm sớm được ngày nào tốt ngày đó. Do điều này có liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế nên các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sẽ phải cân nhắc.

Tuy nhiên, trong bài toán chi phí hiệu quả thì tăng lương chắc chắn phải gắn với tinh giản biên chế và tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước. Quy mô của nền kinh tế và thu ngân sách Nhà nước tăng dần qua các năm cũng có thể được sử dụng cho việc tăng lương. Bên cạnh đó là công tác chống thất thu ngân sách và thực hành tiết kiệm chi, chống lãng phí" - đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Bà Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NVCC

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng cho rằng, cần tham khảo thêm cách tính và chi trả lương của khu vực tư nhân trong việc trả lương ở khu vực công. Chẳng hạn như việc áp dụng chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI), các mô hình quản lý hữu hiệu lĩnh vực công của các nước có cùng điều kiện, hoàn cảnh…

Đồng thời, nghiên cứu thêm một số chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức ngoài chế độ tiền lương như chính sách vay ưu đãi mua nhà, mua xe, bảo hiểm… mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đã áp dụng.

Cộng thêm cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, chế tài xử lý đủ sức răn đe để cán bộ, công chức “không muốn, không dám và không thể” tham nhũng. Đặc biệt, cần có chính sách khen thưởng thỏa đáng trên cơ sở đánh giá công bằng những đóng góp, thành tích của cán bộ, công chức trong suốt quá trình cống hiến khi công tác.

Tăng tối thiểu mức lương cơ sở từ 20-25% 

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc nhân viên y tế rời khu vực công sang khu vực tư có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong đó có vấn đề thu nhập ở khu vực công hiện đang ở mức thấp hơn so với khu vực tư. Đặc biệt, nguyên nhân chính là tiền lương (chiếm đa số trong thu nhập) của khu vực công áp dụng theo mức lương cơ sở hiện là 1.490.000 đồng - áp dụng từ năm 2019 đến nay.

Trong khi đó, khu vực tư áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng, các mức lương tối thiểu này từ năm 2019 đến nay đã được điều chỉnh 2 lần là năm 2020 và năm 2022. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng IV - vùng thấp nhất là 3.250.000 đồng/tháng. Do đó, để khu vực công nói chung trở nên cạnh tranh hơn, trong đó có việc giữ chân người tài trong các bệnh viện công thì việc tăng lương cơ sở là một trong các giải pháp hết sức cần thiết.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần tăng lương cơ sở từ 20-25%. Ảnh: NVCC

"Tôi rất vui mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội xem xét việc tăng mức lương cơ sở cũng như phụ cấp ưu đãi nghề cho ngành y. Đối với mức lương cơ sở, tôi nghĩ cần tăng tối thiểu từ 20-25% tức là sẽ tăng lên khoảng 1,8 triệu đến 2 triệu là phù hợp điều kiện ngân sách nhà nước. Đối với phụ cấp ưu đãi nghề y tế, hiện nay đang hướng ở một số đối tượng với mức cao nhất là 70%. Tôi cho rằng cần tăng lên tối đa 100%" - ông Nghĩa đề xuất.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần có quyết tâm đổi mới toàn diện khu vực công để giữ chân người giỏi, thu hút người tài thông qua nhiều giải pháp đồng bộ với vấn đề tăng lương. Cụ thể như: môi trường làm việc; sự đánh giá, ghi nhận, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm, tâm huyết công tác và có cơ hội phát huy hết năng lực, khả năng của mình, đóng góp cho đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn