MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đăng ký test nhanh COVID-19 ở Hà Nội. Ảnh: Lao Động

Test nhanh COVID-19 âm tính vẫn có thể mắc bệnh, vẫn phải cách ly

Thùy Linh LDO | 02/08/2020 08:39
Hiện nay nhiều người đi từ Đà Nẵng về được làm test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính. Cho rằng như vậy là không có khả năng mắc COVID-19, họ có xu hướng chủ quan, không thực hiện cách ly nữa. Tuy nhiên điều này là không đúng.

Vậy xét nghiệm nhanh là gì?

Xét nghiệm nhanh là xét nghiệm định tính hoặc bán định lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu. Ưu điểm của loại xét nghiệm này là rẻ và nhanh, mục đích để sàng lọc người nhiễm hoặc ước tính tỷ lệ người nhiễm trong cộng đồng chứ không phải là để chẩn đoán xác định.

Xét nghiệm nhanh dương tính có nghĩa là người đó có kháng thể chống SARS-CoV-2 trong máu được hình thành tối thiểu từ 7- 14 ngày trước đó sau phơi nhiễm với nguồn lây hoặc sau khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu người đó bị nhiễm bệnh trước khi làm xét nghiệm nhanh vài ngày (< 7 ngày) thì chắc chắn xét nghiệm nhanh sẽ âm tính.

Để chẩn đoán xác định nhiễm bệnh, ngoài xét nhanh dương tính thì phải có xét nghiệm RT-PCR dương tính. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.

Ngược lại, nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây (< 7 ngày) và kháng thể chống SARS-CoV-2 chưa kịp hình thành trong máu.

Đây chính là khoảng trống "chết người" nếu chúng ta chủ quan không tiếp tục cách ly cho đủ ít nhất 14 ngày để chắc chắn rằng chúng ta không nhiễm bệnh (không có triệu chứng, hoặc xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính) để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.

Vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp cho Chính phủ, Bộ Y tế chống dịch nếu chúng ta tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, nhất là tuân thủ việc cách ly theo quy định sau khi đi từ vùng dịch về.

Test nhanh âm tính vẫn phải tự cách ly nghiêm ngặt

Về vấn đề này, BS Đồng Phú Khiêm- Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trên thế giới có nhiều hãng đang tìm cách nghiên cứu các xét nghiệm nhanh tìm kiếm các cấu trúc của vi rút SARS-CoV-2 giúp chẩn đoán nhanh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ xét nghiệm test nhanh nào được công nhận và áp dụng trong chẩn đoán COVID-19.

Một bài tổng hợp rất nhiều các nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-COV2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm 2 tuần mới có kháng thể; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

BS Khiêm phân tích thêm rằng xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không.

Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác. Người bị nhiễm vi rút này ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể xét nghiệm này chắc chắn âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác.

"Vì vậy, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ y tế”- bác sĩ Khiêm cảnh báo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn