MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân cần máu để truyền trong khi nguồn máu ở các bệnh viện tại ĐBSCL ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Phong Linh

Thiếu máu ở ĐBSCL tiếp tục căng thẳng, bệnh nhân điều trị nửa chừng thì hết máu

PHƯƠNG ANH LDO | 17/10/2023 15:08

Hơn 6 tháng nay, tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện tại ĐBSCL chưa được cải thiện, thậm chí nguồn máu tại Bệnh viện Huyết học -Truyền máu Cần Thơ (đơn vị huyết học truyền máu duy nhất tại khu vực ĐBSCL) ngày càng cạn kiệt, trong đó một số nhóm máu đã hết, điều này ảnh hưởng rất lớn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chỉ còn đủ cho vài ca cấp cứu

Nếu như trước đây mỗi năm Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 10.000 đơn vị máu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thì 6 tháng đầu năm 2023 con số này chỉ khoảng 1.200 đơn vị máu. Hiện tại bệnh viện chỉ còn khoảng 30 đơn vị máu (nhóm máu B, O).

Bác sĩ La Thị Phương Dung - Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: Trung bình bệnh viện cần từ 800 - 1.000 đơn vị/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn cung cấp máu bị gián đoạn, số lượng máu bệnh viện chỉ nhận được khoảng 200 đơn vị/tháng.

“Số máu được tiếp nhận này chỉ để sử dụng cho những trường hợp cấp cứu hoặc những bệnh nhân có bệnh mạn tính thật sự cần thiết thì mới được truyền máu. Đối với những trường hợp cần nguồn máu nhiều, bệnh viện sẽ kết nối các bệnh viện khác để chuyến tuyến. Trước khi chuyển, chúng tôi sẽ truyền máu cho bệnh nhân qua giai đoạn cấp cứu” - bác sĩ La Thị Phương Dung cho biết thêm.

Các bệnh viện ở ĐBSCL đang thiếu máu và phế phẩm máu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: Tạ Quang

Tương tự tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng, theo thống kê đến ngày 17.10.2023, bệnh viện chỉ còn 25 khối hồng cầu, 40 đơn vị huyết tương tươi và 20 đơn vị tủa lạnh. Với số lương dự trữ này chỉ đủ dùng cho một vài ca bệnh cấp cứu và phải tiết kiệm đến mức tối đa, hạn chế chỉ định truyền máu để ưu tiên máu cho các trường hợp cấp cứu.

Đang điều trị thì hết máu

Bác sĩ CK II Chung Tấn Định - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng - cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng máu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ hỗ trợ cho bệnh viện chỉ đủ để sử dụng cho khoảng 50 - 60% các trường hợp cấp cứu. Riêng các chế phẩm máu như tiểu cầu thì rất hiếm. Với những bệnh cần truyền tiểu cầu thì phải liên hệ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TPHCM chi viện. Các chế phẩm máu khác cũng chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30%.

“Với việc thiếu máu như hiện nay đã gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân có chỉ định mổ phải đình lại vì không có máu để truyền, hoặc các bệnh nhân có bệnh lý về máu cũng không đủ máu để điều trị”, bác sĩ Chung Tấn Định cho biết thêm.

Bác Sĩ Ngô Huỳnh Quang - Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng - cho biết: Tuần vừa rồi, có trường hợp sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung, khi xét nghiệm máu hồng cầu chỉ còn 1.9 triệu HP Hemoglobin 3.3. Bệnh nhân có dấu hiệu xấu, huyết áp, nhịp tim tăng nhanh. Ngay lập tức, y bác sĩ đã truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng, nhóm O Rhesus + và 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh nhóm O Rhesus + và 5 tủa lạnh.

“Sau khi truyền máu, huyết áp bệnh nhân ổn định nhưng lại mất tiểu cầu và rối loạn đông máu. Nhưng bệnh viện không còn máu để truyền nên phải liên hệ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ hỗ trợ nhận chuyển viện từ Bệnh viện Sản Nhi Sóc Trăng”, bác sĩ Quang thông tin thêm.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, 3 tháng cuối năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi cần 4.610 đơn vị để phục vụ công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, nguồn máu ở 2 bệnh viện này chỉ đủ để đáp ứng những trường hợp cấp cứu.

Trước tình trạng trên, đầu tháng 10 năm nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn gửi UBND TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tạo điều kiện cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận máu, đảm bảo nguồn máu và chế phẩm máu cung cấp cho các cơ sở y tế trong khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, tính đến 8 giờ ngày 17.10, kho máu của bệnh viện chỉ còn 86 đơn vị khối hồng cầu. Trong đó nhóm máu O là 39 đơn vị; 31 đơn vị nhóm máu B, nhóm máu AB là 16 đơn vị. Riêng nhóm máu A và tiểu cầu không còn nguồn dự trữ. Trong khi đó nhu cầu cung cấp máu mỗi tuần cho ĐBSCL từ 2.800 - 3.000 đơn vị khối hồng cầu; tiểu cầu từ 80 - 100 đơn vị/tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn