MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu nhân lực, thuốc men, y tế công Quảng Nam điêu đứng

Hoàng Bin LDO | 20/08/2024 16:54

Quảng Nam - Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công sang tư vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện tỉnh này thiếu hơn 1.000 viên chức ngành y tế.

Thiếu hơn 1.000 viên chức y tế

Quảng Nam hiện có 1.125 bác sĩ (đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân) thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước (12,5 bác sĩ/vạn dân). Không chỉ thiếu, ngành y tế công của tỉnh này đang đối mặt với tình trạng “chảy máu nhân lực”, khi mới qua 8 tháng đầu năm 2024, đã có 16 bác sĩ bỏ việc.

Với công suất giường bệnh như hiện tại, ngành y tế Quảng Nam còn thiếu 556 bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (theo định mức số lượng bác sĩ của Thông tư 03/2023); thiếu 1.054 biên chế viên chức và thiếu 7 biên chế công chức ngành y tế (theo định mức được giao năm 2024).

Quảng Nam thiếu hụt bác sĩ và nhân viên y tế nghiêm trọng, nhất là tuyến huyện và miền núi. Ảnh Hoàng Bin

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười thừa nhận, thiếu nhân lực đang là vấn đề trăn trở của ngành y tế tỉnh.

Tình trạng thiếu cán bộ y tế, bác sĩ xảy ra ở tất cả các tuyến. Nghiêm trọng nhất là ở các Trung tâm y tế tuyến huyện. Nhiều bác sĩ có trình độ chuyên khoa, chuyên môn sâu bỏ ra ngoài làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân với mức lương cao hơn, khiến y tế công ngày càng tụt hậu và thiếu sức cạnh tranh với y tế tư nhân.

Giảm sức hút so với y tế tư nhân

Theo ông Ngô Ngọc Toàn - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện này có đến 11 bác sĩ, nhân viên y tế chuyển công tác. Nhân sự lãnh đạo hiện thiếu 2 chức danh Phó Giám đốc và nhiều trưởng, phó khoa… để quản lý bệnh viện.

Thiếu thuốc, thiếu nhân lực y tế, khó thu hút bệnh nhân khiến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam hụt thu, nợ lương NLĐ vào năm 2023. Ảnh Hoàng Bin

Trong 6 tháng của năm 2024, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị chỉ có 556 lượt, giảm sâu so với thời điểm năm 2023 là 2.983 lượt, trong bối cảnh số lượng phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng đông - ông Ngô Ngọc Toàn nói.

Tình trạng thiếu thuốc điều trị kéo dài, số lượng bệnh nhân sụt giảm sâu dẫn đến nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo hàng loạt khó khăn, trong đó có nợ, chậm lương, BHXH của người lao động.

Còn tại huyện Quế Sơn hiện chỉ có khoảng 2,3 bác sĩ/vạn dân. Nhân lực tại Trung tâm y tế huyện này đang thiếu hụt trầm trọng, không đủ để bố trí cho các chuyên khoa.

Huyện Quế Sơn, Quảng Nam chỉ có khoảng 2,3 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn 5,3 lần mức bình quân cả nước (12,5 bác sĩ/vạn dân). Ảnh ĐVCC

Ngoài thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu thuốc, dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã trị giá 296 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư cũng liên tục chậm trễ tiến độ.

Tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế ngày 16.8, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu làm rõ trách nhiệm trước sự đi xuống của ngành y tế.

“Các cơ sở y tế công lập mà thiếu thuốc, vật tư y tế, cơ sở hạ tầng xuống cấp rồi đội ngũ bác sĩ giỏi bỏ việc ngày càng nhiều như thế thì bệnh nhân không muốn đến khám, chữa bệnh nữa. Dẫn đến các đơn vị này không thể nào tự chủ tài chính được. Đây là vấn đề cần phải làm rõ và sớm có giải pháp” - ông Lê Văn Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn