MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thai phụ nhóm máu hiếm đang hoang mang vì thiếu Anti-D. Ảnh: Thùy Linh

Thiếu sinh phẩm, thiếu các loại dịch truyền liên quan đến bệnh về máu

Thùy Linh LDO | 01/01/2023 12:55
Tình trạng thiếu thuốc vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi. Không chỉ thiếu thuốc hiếm, mà các loại dịch truyền hiện cũng đang thiếu. 

Thiếu sinh phẩm Anti-D cho các bà bầu nhóm máu hiếm

Những phụ nữ có nhóm máu hiếm trong quá trình mang thai và sinh con rất cần thuốc Anti-D immunoglobuline humaine (được gọi là sinh phẩm), nhất là trong cấp cứu sản khoa. Thế nhưng, hiện nay nhiều bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bệnh viện có khoa Phụ sản khác… đều không còn thuốc, và không biết khi nào mới được nhập lại.

Thông tin này khiến những phụ nữ có nhóm máu hiếm rất hoang mang, lo sợ. 

Chị Lý Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) đang mang thai con đầu lòng ở tuần thai 34. Là một người mang nhóm máu hiếm O (Rh) âm, khi mang thai, chị Hằng cần phải được tiêm một loại thuốc phòng ngừa bệnh tán huyết và một số căn bệnh ở trẻ em. Thế nhưng, chị Hằng đến hầu hết các Bệnh viện Phụ sản, gọi điện hỏi nhiều cơ sở y tế đều không tìm được loại thuốc này. Các cơ sở y tế đều báo... hết sạch thuốc. 

Ngoài chị Hằng, nhóm của chị hiện đang có 41 bà bầu thuộc nhóm máu hiếm cũng đang cùng tìm kiếm loại thuốc này. 

Các mẹ bầu đã hỏi tìm khắp các cơ sở y tế nhưng đều nhận được câu trả lời là không có Anti-D. Ảnh: Thùy Linh

Không chỉ thiếu thuốc hiếm

Theo ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, gần đây, Cục Quản lý Dược ghi nhận một số thông tin về nguy cơ hạn chế, gián đoạn nguồn cung ứng một số thuốc sinh học là các dịch truyền Albumin và Globulin. 

Theo thông tin từ một số đơn vị cung ứng, sử dụng, nguyên nhân là do dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung huyết tương là nguyên liệu để sản xuất Albumin, Globulin và nhu cầu sử dụng tăng đột biến dẫn đến không đủ nguồn cung ứng.

Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch truyền Albumin và Globulin cho nhu cầu điều trị của nhân dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng mua sắm và tổ chức các biện pháp chủ động thay thế dịch truyền Albumin, Globulin trong trường hợp có nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt.

Cục Quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế thực hiện việc kiểm định các lô dịch truyền Albumin và Globulin và theo đúng thời hạn quy định, tránh chậm trễ, ảnh hưởng đến việc cung ứng. 

Đối với các các cơ sở nhập khẩu thuốc thực hiện các biện pháp để tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung tối đa đối với dịch truyền Albumin, Globulin; Ưu tiên cung ứng cho các đơn vị có công văn đề nghị cung ứng và cho các đơn vị có báo cáo thiếu Albumin và Globulin;

Có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ các dự trù của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lập kế hoạch và ký hợp đồng sớm với cơ sở sản xuất, cơ sở cung ứng thuốc nhằm đảm bảo các cơ sở này có thể chủ động trong việc sản xuất, cung ứng kịp thời cho thị trường Việt Nam, tránh thiếu dịch truyền Albumin và Globulin do ký hợp đồng muộn. 

Albumin thuộc nhóm các chế phẩm từ máu, được điều chế từ máu toàn phần, chứa các protein hòa tan và điện giải, đã loại bỏ các thành phần như yếu tố đông máu, các enzyme...  Albumin thường được sử dụng để điều trị tình trạng sốc do mất máu, bỏng, giảm protein huyết tương do phẫu thuật hoặc suy gan. Albumin còn được dùng như một thuốc bổ sung trong phẫu thuật.

Globulin (huyết thanh) được sử dụng chủ yếu để điều trị duy trì cho những người bệnh không có khả năng sản xuất đủ kháng thể IgG...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn