MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Thời điểm và điều kiện có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

Bích Hà LDO | 09/03/2022 18:57

Theo Bộ Y tế, trong thời gian này Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có quan điểm ngược lại.

Sẽ tham mưu để coi COVID-19 là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế cho biết đã rà soát, trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Về tình hình trong nước, theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

Bộ Y tế cho rằng tỉ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỉ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Với tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian này Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp.

Nên thay đổi quan điểm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng

Trong khi Bộ Y tế có quan điểm thời điểm này chưa thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, thì một số chuyên gia lại có quan điểm ngược lại. Không ít người cho rằng đây chính là thời điểm Việt Nam bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng, Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tại Việt Nam, có nhiều lý do để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường. Thứ nhất là vai trò của vaccine. Việt Nam nằm trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

Thứ hai, biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam.

Theo đó, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng số chuyển nặng và tử vong không cao. Có thể thấy, với biến thể này không một hệ thống y tế nào trên thế giới có đủ sức để ngăn chặn, kể cả các quốc gia có nền y tế và tiềm lực kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nhật Bản... Vì vậy, bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái để thích ứng an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn