MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Ngân đứng thứ 3 từ bên trái sang chụp ảnh cùng đồng đội của mình tại Bệnh viện Dã chiến số 3 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

"Thời gian gọi về cho con chỉ tính bằng giây"

LƯƠNG HẠNH LDO | 19/10/2021 16:12

15 năm công tác trong ngành Y, chưa bao giờ bác sĩ Ngân phải chứng kiến cuộc chiến giành giật sinh mạng khốc liệt đến thế. Chị phải tạm gác lại nỗi nhớ con, nhớ gia đình để dồn lực cứu chữa cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

5 ngày “tốc chiến” cải tạo bệnh viện dã chiến

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Ngân (SN 1977) công tác tại Khoa Gây mê - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa trở về sau hơn 2 tháng tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 3. Sau khi nhận được thư kêu gọi của Bộ Y tế, chị Ngân lập tức lên đường. Bởi vì chị biết, những đồng đội đi chống dịch trước đó của mình đều đã "mệt", “không có lý do gì mà mình ở nhà”. 

Rời Hà Nội ngày 5.8, đoàn tình nguyện của chị có hơn 100 cán bộ, nhân viên, y tế… đều chuẩn bị tâm lý "chưa biết ngày về". Vào đến nơi, mọi người đều sững sờ trước khung cảnh một bệnh viện dã chiến... không có gì.

“Đó là 13 dãy nhà bằng mái tôn, chưa có bất kỳ một điều kiện, cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận bệnh nhân… Tôi và một số người trong đoàn phải lên kế hoạch xây dựng bệnh viện, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất... Mục tiêu đầu tiên chúng tôi đặt ra là anh em trong đoàn phải an toàn trở về. Cho đến hôm nay, chúng tôi đã đều an toàn” - chị Ngân chia sẻ.  

Các cán bộ, nhân viên y tế đều ghi tên đằng sau bộ quần áo bảo hộ để dễ nhận ra nhau. Ảnh: NVCC

Chỉ trong vòng 5 ngày, đoàn tình nguyện của chị Ngân đã hoàn thành việc xây dựng các quy trình hoạt động của bệnh viện: Tiếp nhận bệnh nhân vào từng khu điều trị phù hợp, thiết kế phân luồng đi lại của nhân viên y tế từ nơi ở đến bệnh viện, quy trình mặc và tháo đồ bảo hộ của nhân viên y tế đảm bảo quy trình một chiều, tránh lây nhiễm…

“Mới vào, không hiểu tại sao ai đó đăng số điện thoại kèm thông tin là Bệnh viện Dã chiến số 3 đang có 500 giường bệnh. Thế là bệnh nhân và người nhà của họ gọi đến mức "cháy" số hotline của bệnh viện. Tình hình khẩn cấp khiến chúng tôi phải dồn lực xây dựng bệnh viện đi vào hoạt động càng nhanh càng tốt” - chị Ngân nhớ lại.

Không có thời gian để… nhớ con

Trong thời gian hỗ trợ chống dịch, chị Ngân đã tham gia tổ chức, sắp xếp nhân lực, vật tư tiêu hao tại các khu điều trị cho người bệnh. Các bệnh nhân sẽ được sắp xếp theo mức độ khác nhau. 

Nền nhiệt ngoài trời nóng, chị Ngân đã đề nghị sáng kiến bọc đường ôxy bằng tấm cản nhiệt giúp cho bệnh nhân giảm sốt từ 10h đến 14h chiều. Phun nước lên mái tôn các khu nhà điều trị giúp giảm nhiệt độ môi trường làm việc nóng bức cho nhân viên y tế và bệnh nhân.

Chị đề xuất dùng quạt công nghiệp thổi theo chiều từ giữa nhà điều trị sang 2 dãy bệnh nhân hướng ra cửa sổ nhằm giảm nhiệt cho nhân viên y tế, bệnh nhân đồng thời tránh lây nhiễm.

Những hình ảnh hiếm hoi của bác sĩ Ngân và đồng đội tại Bệnh viện Dã chiến số 3. 

Gần 2 tháng tham gia chống dịch, ban ngày tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, tối đến chị và các đồng nghiệp lại trau dồi các kiến thức, kỹ năng điều trị bằng việc học online. Nỗi nhớ con da diết chị đành phải kìm nén lại. 

Chồng chị công tác trong lực lượng vũ trang. Hơn ai hết, cả hai người đều hiểu được nỗi khổ và vất vả của nhau. Thời gian cả hai vợ chồng rảnh chỉ được tính bằng giây. Những cuộc gọi “tiện lúc nào gọi lúc ấy” từ mẹ đã giúp con gái chị Ngân trưởng thành hơn khi thiếu vắng bố mẹ.

Tháo bộ quần áo bảo hộ kín mít, vội gọi cho cô con gái 5 tuổi hỏi thăm vài câu, chị Ngân cũng chẳng còn thời gian gọi cho chồng. Trong gia đình chị, mọi nỗi nhớ đều phải dồn nén, đổi lại bằng niềm tự hào khi cả 2 vợ chồng đều cùng nhau chung tay vì mục đích cao cả của đất nước. 

Thời gian gọi về cho con của chị Ngân được tính bằng số giây. Ảnh: NVCC

Có lần, con gái chị động viên chị: “Mẹ ơi cố lên! Mẹ đang làm đẹp cho đời mà”. Chị chưa bao giờ nghĩ cô con gái nhỏ của mình có thể thốt lên những câu nói như vậy. 

Khi được hỏi về thành tựu đạt được lớn nhất trong thời gian qua, chị Ngân bật cười: “Không có thành tựu gì cả cô ạ. Việc tôi làm chỉ là đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình thôi”. Chị cũng nói thêm, chị đã học được rất nhiều thứ kể cả về chuyên môn lẫn tinh thần để nếu chẳng may Hà Nội “không ổn”, chị luôn sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn