MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, chiều 21.12.2020. Ảnh: Anh Nhàn.

Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế: Bệnh viện tuyến đầu sẽ quá tải

Anh Nhàn - Thanh Chân LDO | 22/12/2020 15:50

Bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế là thông báo mới nhất từ Bảo hiểm xã hội TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM vừa ký văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021. Theo đó, từ ngày 1.1.2021, bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% BHYT. Các trường hợp khám BHYT ngoại trú tại TPHCM cần có giấy chuyển tuyến.

Nếu bệnh nhân tỉnh nhập viện tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương và Thống Nhất không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT. Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến sẽ được thanh toán 100% theo mức quyền lợi.

This browser does not support the video element.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ về quy định thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế.

Trước thông báo này, TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM bày tỏ nhiều tâm tư. Theo ông Tuấn, điều này giúp người dân lựa chọn nơi điều trị theo đúng bệnh lý và lòng tin. Tuy vậy, quy định thông tuyến tỉnh BHYT vào đầu năm tới cũng gây nhiều trở ngại cho các bệnh viện đầu ngành.

"Phải nhìn nhận thực tế rằng, y tế cơ sở ở nhiều tỉnh/thành chưa hoàn chỉnh, một số bệnh viện tỉnh cũng chưa tạo dựng được lòng tin cho người bệnh. Quy định mới khi áp dụng có khả năng sẽ tăng áp lực lên các bệnh viện tại TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn. Điều này cũng gây bất lợi cho chính người bệnh khi phải tập trung đông, việc điều trị sẽ bị chậm trễ" - ông Tuấn nói.

Dẫn chứng số liệu trong nhiều năm qua, ông Diệp Bảo Tuấn cho biết, mỗi ngày, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tiếp nhận 4.000 bệnh nhân tới khám và 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân tới khám, 32% sử dụng BHYT. Trong khi đó, 82% bệnh nhân sử dụng BHYT khi điều trị nội trú và 15% trong số này là điều trị trái tuyến. Từ ngày 1.1.2020, những bệnh nhân nội trú trái tuyến tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ trở thành đúng tuyến.

"Về áp lực chuyên môn thì không có sự thay đổi nhiều vì tất cả đều là bệnh nhân của bệnh viện. Tuy nhiên, điều này sẽ tăng gánh nặng về mặt tài chính cho BHYT. Một điều quan tâm nhất là chúng tôi chưa lường trước được số bệnh nhân sẽ tăng do quy định này. Mỗi năm, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tăng khoảng 7% nhưng quy định mới có hiệu lực, con số này có thể tăng cao hơn.

Khi cơ sở 2 tại quận 9 đưa vào hoạt động với 1.000 giường bệnh, bệnh viện sẽ có nguồn nhân lực và vật lực dồi dào để có thể đảm đương được những trường hợp quá tải trong khả năng cho phép" - ông Tuấn phân tích.

Dự toán quỹ BHYT năm 2021 chưa được giao cho bệnh viện. Đơn vị sẽ đề đạt với BHXH TPHCM để giải trình những trường hợp tăng quỹ đột biến, do kỹ thuật, số lượng bệnh nhân, kỹ thuật cao…

Trước thông báo mới từ Bảo hiểm xã hội TPHCM, Sở Y tế TPHCM lo ngại bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh nhiều ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi BHYT của thành phố.

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm, số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh khám chữa bệnh BHYT tại TPHCM với tỉ lệ 20% tổng lượt khám, chiếm gần 49% tổng chi phí bảo hiểm. Đơn vị này cũng dự đoán quy định thông tuyến này khiến bệnh nhân các tỉnh đổ về các bệnh viện đầu ngành của thành phố, gây quá tải và vượt dự toán chi khám chữa bệnh BHYT địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn