MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ phạm hàng đầu khiến trẻ suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh truyền nhiễm

Kim Nhung LDO | 23/08/2022 14:00

Hiện tỉ lệ thiếu sắt và kẽm ở trẻ em vẫn tồn tại ở mức cao. Là đối tượng dễ bị tổn thương, lại thiếu các dinh dưỡng quan trọng khiến trẻ dễ suy giảm hệ miễn dịch và mắc các bệnh truyền nhiễm. 

Gia tăng tỉ lệ trẻ mắc các truyền nhiễm

Thời gian gần đây liên tiếp gia tăng tỉ lệ trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Tháng 5 vừa qua, Norovirus - loại virus lạ được gọi tên là nguyên nhân hàng loạt trẻ em bị tiêu chảy, sốt, nôn ói khu vực phía Bắc.

Trong tháng 6, 7, bệnh cúm A ở trẻ gia tăng bất thường vào mùa hè trong khi đây là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Đa phần, số ca mắc bệnh truyền nhiễm trở nặng rơi vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Tỉ lệ trẻ mắc các truyền nhiễm ngày một gia tăng.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, bệnh truyền nhiễm hiện nay diễn biến phức tạp, không theo mùa. Người ta không gọi là bệnh truyền nhiễm chung chung nữa, mà phân loại ra là bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh truyền nhiễm tái nổi.

"Trước đây, bệnh cúm thường vào giữa mùa đông, nhưng hiện nay, giữa mùa hè cúm cũng xuất hiện. Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19, trẻ phải cách ly ở nhà, không đi tiêm vaccine nhắc lại đầy đủ khi mắc bệnh truyền nhiễm nên bệnh thường có diễn biến nặng" - GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết. 

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng các bệnh truyền nhiễm hiện nay diễn biến phức tạp, không theo mùa. Ảnh: PV

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, trong khi các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp thì tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang là nỗi lo chung của cả thế giới:

"Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không theo kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy, tăng cường miễn dịch cho trẻ là giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm đang gia tăng hiện nay, trong đó dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt". 

Thiếu sắt và kẽm- nguyên nhân khiến trẻ suy giảm hệ miễn dịch

Trên góc độ dinh dưỡng, TS.BS Phan Bích Nga- Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) - Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố nhưng quan trọng nhất là yếu tố về dinh dưỡng bởi các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể đặc biệt là vi chất sắt và kẽm có vai trò vô cùng quan trọng.

Sắt tham gia cấu tạo hồng cầu, đồng thời sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch như Lympho T. Đây là tế bào giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Hàng rào bảo vệ cơ thể trở nên lỏng lẻo và tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành, gây bệnh.

Theo BS Phan Bích Nga, sắt và kẽm có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ miễn dịch cơ thể. Ảnh: PV

Kẽm tham gia vào thành phần 300 loại enzyme, các phản ứng hóa học cũng như quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể. Kẽm vừa là thành phần cũng vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào và miễn dịch trung gian, miễn dịch thích ứng). Kẽm cũng tham gia vào tăng sinh các hóc môn tăng trưởng giúp dài xương. Trẻ thiếu kẽm dẫn tới nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus tăng cao hơn.

Tuy nhiên theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỉ lệ trẻ em thiếu sắt, kẽm ở Việt Nam đang ở mức cao. Cụ thể, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019 – 2020, trên toàn có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt thường đi đôi thiếu kẽm.

TS.BS Phan Bích Nga cũng cho hay, Việt Nam đã có chương trình phòng chống thiếu máu, thiếu sắt do Viện Dinh dưỡng Quốc gia chủ trì và triển khai từ những năm 80. Tuy nhiên, tỉ lệ thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam nhất là trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang tồn tại ở mức cao. Tỉ lệ trẻ thiếu kẽm cũng còn ở mức cao trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và là đối tượng rất dễ bị tổn thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn