MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nhận CĐTS chỉ cần làm giấy xác nhận việc chuyển đổi hộ khẩu từ địa chỉ cũ sang địa chỉ mới. Ảnh: T.L

Thủ tục nhận chế độ thai sản khi thay đổi hộ khẩu?

QUANG HÙNG - NAM DƯƠNG (ghi) LDO | 28/03/2016 10:25
Việc thay đổi chứng minh nhân dân (CMND) sẽ không làm mất quyền nhận chế độ thai sản (CĐTS), người nhận CĐTS chỉ cần làm giấy xác nhận việc đã đổi CMND từ số cũ sang số mới và chuyển đổi hộ khẩu từ địa chỉ cũ sang địa chỉ mới.

Bạn Nguyễn Ngọc Lan (quận 9 - TPHCM) gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động nêu vấn đề: Bạn mang thai hơn 6 tháng thì nghỉ việc, bạn đã đóng BHXH từ năm 2013. Gần đây bạn có đổi hộ khẩu và CMND, chuyển từ tỉnh lên TPHCM. Bạn hỏi, bạn có được nhận CĐTS không?Việc thay đổi hộ khẩu và CMND có ảnh hưởng đến việc nhận CĐTS?

- Luật sư Cao Nguyễn Cẩm Tú - Văn phòng luật sư Hà Hải trả lời: Nếu bạn đã đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thai sản do cơ quan BHXH chi trả. Việc bạn thay đổi CMND sẽ không làm mất quyền nhận CĐTS. Bạn chỉ cần làm giấy xác nhận việc đã đổi CMND từ số cũ sang số mới và chuyển đổi hộ khẩu từ địa chỉ cũ sang địa chỉ mới.

Bạn Nguyễn Thăng Ngọc (Cty CP nhiệt điện B.N) - Email: thangnbinh@gmail.com cho biết: Tháng 10.1982 bạn tốt nghiệp Trường Trung học điện và nhận công tác tại Cty CP nhiệt điện B.N (Cty B.N) với chức danh là công nhân vận hành máy tuabin. Tháng 10.1987 bạn được cử đi học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến tháng 12.1992 tốt nghiệp kỹ sư ngành hệ thống điện (tại chức). Từ tháng 10.1989 bạn là Bí thư đoàn Cty B.N hưởng lương chuyên trách cán bộ đoàn thể.

Từ tháng 4.1994 bạn được điều động về học chức danh trưởng ca vận hành Cty B.N. Tháng 11.1995 bạn là trưởng ca vận hành của Cty B.N và kiêm nhiệm Bí thư đoàn TN, đến tháng 7.1997 bạn thôi không tham gia công tác thanh niên và chỉ là trưởng ca vận hành.

Từ tháng 6.1999 bạn được giao nhiệm vụ tổ trưởng phụ trách tổ trưởng ca (vừa làm trưởng ca vừa làm tổ trưởng phụ trách vì theo mô hình của Cty B.N thì tổ trưởng ca là một đơn vị độc lập). Từ tháng 11.2007 bạn được điều động về làm Phó Trưởng phòng Kỹ thuật.

Sau khi thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28.12.2012 có hiệu lực từ ngày 1.5.2013 của Bộ LĐTBXH thì bạn được thông báo sẽ nghỉ hưu theo chế độ làm việc độc hại với tuổi 55 từ tháng 7.2017. Qua nghiên cứu các quy định về ngành nghề độc hại được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước về tuổi nghỉ hưu bạn nhận thấy: Trong thời gian là công nhân vận hành máy tuabin bạn là đối tượng chịu công việc độc hại; trong thời gian bạn là trưởng ca vận hành thì chưa chịu sự điều chỉnh của Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH về phân bổ danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm...; Hiện tại sức khoẻ của bạn bình thường vẫn đủ để thực hiện công việc mà bạn đang được phân công.

Bạn hỏi, quyết định của Cty B.N cho bạn nghỉ chế độ hưu từ tháng 7.2017 có đúng? Và còn quy định nào khác mà bạn phải chịu sự điều chỉnh?

- Luật sư Trịnh Khánh Toàn - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội tư vấn: Bạn sinh ngày 29.7.1962 đến thời điểm tháng 7.2017 là đủ 55 tuổi; Từ năm 1995 - 2007 bạn học và làm việc với chuyên môn tổ trưởng vận hành Cty B.N: Thời gian làm việc là 12 năm; thời gian bạn đóng BHXH liên tục là 34 năm (tính cả thời gian bạn học đại học tại chức); bạn không được hưởng hệ số phụ cấp khu vực 0,7; từ năm 2007 đến nay bạn làm công tác quản lý (không trực tiếp vận hành sản xuất);

Do vậy: Theo khoản 1, Điều 187 BLLĐ quy định NLĐ được hưởng lương hưu khi đủ thời gian đóng BHXH và nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Tuy nhiên khoản 2, Điều 187 BLLĐ độ tuổi nghỉ hưu có thể thấp hơn so với khoản 1 điều này.

Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành: Điều kiện để hưởng lương hưu của NLĐ khi nghỉ việc: Có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực là 0,7 thì được giảm tối đa 5 tuổi so với NLĐ làm việc ở điều kiện bình thường...Trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng vẫn có nhu cầu làm việc và NSDLĐ vẫn có nhu cầu sử dụng thì NLĐ vẫn tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc theo quy định. Trường hợp NSDLĐ không có nhu cầu, NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì hồ sơ giải quyết cho NLĐ được hưởng lương hưu được quy định theo các điều 199, 122 Luật BHXH.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn