MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân điều trị ung thư tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thực hư việc đưa công nghệ sản xuất vaccine điều trị ung thư về VN

THẢO ANH LDO | 20/08/2019 18:34

Việt Nam đang tiệm cận với các nước trên thế giới về những phương pháp và kỹ thuật mới trong điều trị ung thư. Đặc biệt, mới đây thông tin đưa công nghệ sản xuất vaccine điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam mang đến niềm hi vọng cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ về loại vaccine trên.

Thông tin đưa vaccine điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam mang đến niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này. PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Huy Thịnh, Phó trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu - Đại học Y Hà Nội để làm rõ hơn về những thông tin liên quan đến loại vaccine điều trị ung thư nói trên.

Thưa ông, thông tin Đại học Y Hà Nội đưa vaccine điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam mang đến niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư. Vậy quá trình chuyển giao công nghệ vaccine từ Nhật Bản đang được triển khai như thế nào?

- Việc đưa công nghệ vaccine điều trị ung thư ứng dụng tại Việt Nam là chủ trương của lãnh đaọ trường Đại học Y Hà Nội, đặc biệt là giáo sư Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng nhà trường. Trường Đại học Y Hà Nội vừa là đơn vị giảng dạy vừa là đơn vị nghiên cứu. Vì thế, đây là địa điểm rất tốt để thực hiện chuyển giao công nghệ.

Nếu chúng ta triển khai thành công ở Đại học Y Hà Nội thì có thể chuyển giao công nghệ đó đến các cơ sở điều trị thì mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư. Hiện nay, trường Đại học Y Hà Nội vẫn đang trong quá trình cùng với đối tác Nhật Bản tìm hiểu các đặc điểm của người Việt Nam liên quan đến ung thư như thế nào.

Cụ thể, để vaccine ung thư điều trị một cách hiệu quả thì phải tạo ra được kháng nguyên đặc hiệu đối với loại ung thư đó. Kháng nguyên đặc hiệu lại phụ thuộc vào từng loại ung thư khác nhau và từng chủng tộc khác nhau. Người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ có những đặc điểm khác nhau và người Châu Âu lại càng khác.

Vậy nên bước đầu tiên chúng tôi đang thực hiện là sàng lọc xem kháng nguyên nào đặc hiệu nhất với người Việt và kháng nguyên nào đặc hiệu với từng loại ung thư. Sau đó, với công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản thì mới tạo ra kháng nguyên đó để sử dụng nó làm phương pháp vaccine trong điều trị ung thư tại Việt Nam.

PGS.TS Trần Huy Thịnh. Ảnh: NVCC

Vậy khi nghiên cứu thành công kháng nguyên đặc hiệu thì vaccine ung thư có thể trị được những loại ung thư nào, thưa ông?

- Chỉ định của loại vaccine điều trị ung thư này rất rộng. Vaccine ung thư có thể trị được rất nhiều loại ung thư khác nhau kể cả là ung thư dạng đặc, ung thư máu… Tuy nhiên phụ thuộc vào mức độ đặc hiệu của từng loại kháng nguyên trên các tế bào ung thư thì hiệu quả điều trị cho từng loại hình ung thư cũng khác nhau.

Khi đưa về Việt Nam, giá cả của vaccine này như thế nào? Liệu người nghèo có cơ hội để chữa trị ung thư bằng vaccine hay không, thưa ông?

- Hiện nay, Đại học Y Hà Nội đang ở trong giai đoạn đầu để triển khai việc chuyển giao công nghệ này. Vì thế, còn quá sớm và rất khó có thể nhận định được giá thành của một lộ trình điều trị ung thư bằng vaccine là bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng vaccine sẽ là một sự lựa chọn tốt cho người bệnh. Những cán bộ y tế trực tiếp làm việc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ vaccine này cũng rất mong muốn đưa ra một liệu pháp điều trị có thể sử dụng được cho nhiều đối tượng mắc ung thư.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư bằng vaccine ở Nhật Bản chưa được PMDA công nhận. Điều này gây nên nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Vậy, việc đưa vaccine này về Việt Nam có bị kéo dài thời gian và gặp khó khăn hay không, thưa ông?

- Rất khó dự đoán một thời điểm chính xác có thể đưa vaccine ung thư về Việt Nam. Tuy nhiên, trường Đại học Y Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai. Con đường đi nhanh, đi chậm và thời điểm nào chúng tôi về đến đích thật sự khó nói. Trong quá trình triển khai có nhiều vấn đề cần phải thực hiện. Một công nghệ mới, một liệu pháp mới đưa vào trong công tác điều trị hoàn toàn không dễ dàng.

Tranh cãi là điều đương nhiên khi công nghệ này đang được ấp ủ và chưa được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, không có nghĩa phương pháp này không hiệu quả và an toàn. Vaccine ung thư đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, đang ở sát đích được thế giới công nhận điều trị. Tuy nhiên, có những cái mới mình phải dũng cảm để triển khai, đi tắt đón đầu thì mới kịp để có thể ứng dụng. Bởi vì khi loại vaccine này đã được công nhận bản quyền thì giá thành rất đắt để chúng ta có thể chi trả được.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn