MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chủ trì tại hội nghị. Ảnh: BYT

Tỉ lệ khám chữa bệnh tuyến xã ngày càng giảm, tuyến trên vẫn quá tải

THÙY LINH LDO | 07/07/2018 07:11

Thời gian qua, y tế cơ sở có vai trò tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đến tận xã/phường, thậm chí tới cả y tế thôn bản, đạt nhiều mục tiêu thiên nhiên kỷ, được quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới. Nhưng có một nghịch lý là tỉ lệ khám chữa bệnh tuyến xã ngày càng giảm, tuyến trên vẫn quá tải, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vì sao nên nỗi?

Khám chữa bệnh ở tuyến xã ngày càng giảm

Tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 6.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, Quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT hiện giao cho trạm y tế (TYT) quá thấp (chỉ không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú - quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC), không đủ để chi cho KCB BHYT, dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Quy định này làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của TYT xã. Đặc biệt, từ khi có chính sách thông tuyến, KCB BHYT tại TYT xã giảm.

Bộ trưởng Y tế phân tích: Một nghịch lý là tại tuyến Trung ương, tỉ lệ người đến khám chỉ 3,1% nhưng chi phí 20% tổng chi quỹ KCB BHYT. Tại tuyến tỉnh/thành phố chiếm 25% bệnh nhân nhưng chiếm 25,6% tổng chi quỹ KCB BHYT. “Chỉ riêng tại tuyến Trung ương và tỉnh/thành phố, số người đến khám chỉ 28,7% nhưng chi phí lên tới 67,3% tổng chi quỹ KCB BHYT. Trong khi đó, tuyến huyện khám tới 51,4% số lượt bệnh nhân nhưng chi phí chỉ 29,8% và con số này tại tuyến xã chi phí còn thấp hơn nữa, chỉ 2,7% tổng chi quỹ KCB BHYT trong khi tỉ lệ người dân đến khám chiếm gần 20%” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Còn Cục trưởng Cục Quản lý KCB Lương Ngọc Khuê thì cho rằng: Y tế cơ sở đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, chất lượng cán bộ y tế cũng như việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến cơ sở. Hiện nay, có 41,9% số TYT đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 6,5% số trạm có đủ cơ số phòng theo chuẩn. Có 25,9% số TYT xã đủ trang thiết bị; 42,9% ở mức chấp nhận được; 31,2% thiếu số TYT thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Hầu hết các TYT đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường, thuốc y học cổ truyền. Tỉ lệ trạm y tế thiếu thuốc tại Cao Bằng là 71,9%; Điện Biên là 33,7%; Bình Định là 41,7%...

“Năm 2014, tỉ lệ KCB BHYT tại tuyến xã chiếm 28,3% nhưng đến 2017 chỉ còn 19,9% và giảm xuống 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, KCB BHYT tại tuyến huyện gia tăng, từ 43,2% (2015) lên 52% (6 tháng đầu năm 2018). “Với tình trạng này, nếu TYT xã không được đầu tư tốt thì người dân sẽ lên tuyến trên để điều trị và TYT sẽ không phát triển được” - bà Nguyễn Thị Minh - TGĐ BHXH Việt Nam - cho biết.

Giải pháp nào?

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, để y tế cơ sở phát huy vai trò là người “gác cổng” cho sức khỏe người dân tại tuyến đầu, Bộ Y tế đang thực hiện cập nhật tài liệu chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật áp dụng tại TYT xã. Bộ đang đầu tư trang thiết bị phù hợp với năng lực chuyên môn của TYT xã, bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản, đáp ứng các bệnh thông thường tại xã theo gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm; Tăng cường tiếp cận thuốc thiết yếu cho TYT xã, đào tạo cập nhật kiến thức cho TYT xã, hỗ trợ kỹ thuật từ xa và luân phiên đưa bác sĩ từ huyện về xã và từ xã lên tuyến trên để bảo đảm tăng cường năng lực KCB tại xã.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận định: Hiện y tế cơ sở đang chỉ nặng về “kê đơn, cấp thuốc” dẫn tới có những nơi thực hiện khám, cấp phát thuốc theo ngày trong tháng, chủ yếu rơi vào đầu tháng. Cần phải đào tạo cho cán bộ y tế tại TYT xã dự trù thuốc, phân bổ nguồn kinh phí trong tháng tránh tình trạng giữa, cuối tháng hết thuốc.

Về giải pháp cho vấn đề này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, cần thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản; quản lý các bệnh mãn tính tại TYT xã; gắn hoạt động quản lý sức khỏe tại TYT xã với hoạt động của bác sĩ gia đình. Đặc biệt, cần có cơ chế linh hoạt đối với y tế cơ sở theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB, bỏ quy định giao quỹ KCB cho TYT tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.

Bên cạnh đó, cần hạn chế khám, chữa bệnh thông thường tại các tuyến tỉnh, Trung ương bằng cách tăng mức đồng chi trả với người bệnh tại tuyến này, giảm giá thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường.

Bà Nguyễn Thị Minh đề xuất, tới đây, ngoài thực hiện tăng cường thêm bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở, nếu cơ sở nào thực hiện được các dịch vụ thì nên mạnh dạn phân cấp. “Khi đã phân cấp cần phải có cơ chế đồng bộ hỗ trợ. Nếu dịch vụ đó tuyến xã làm được, BHXH không thanh toán ở tuyến huyện nữa. Người dân muốn vượt lên tuyến trên thì phải bỏ tiền túi ra. Nếu dịch vụ nào phân cấp trong danh mục của Bộ Y tế cho tuyến xã làm được thì kết quả đó phải được liên thông dù đi đến tuyến tỉnh, Trung ương, để không phải chi hai lần” - bà Minh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn