MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bệnh nhi bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tỉ lệ người dân tiêm vaccine phòng dại tăng tại nhiều hệ thống tiêm chủng

Thùy Linh LDO | 11/02/2023 16:49

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, nhiều hệ thống tiêm chủng dịch vụ ghi nhận số người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng hơn so với tháng trước Tết.

Thời gian qua, nhiều người không may bị chó cắn, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức rõ sự nguy hiểm của bệnh dại, người dân đã chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vaccine kịp thời.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỉ lệ 56%.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, trong năm 2022, thành phố (TP) đã ghi nhận 2 ca mắc bệnh dại và đều tử vong. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021, Hà Nội chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Qua một báo cáo mới đây của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải - chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec - cho hay, bệnh dại hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm.

Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người. 

Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vaccine dại và tiêm vaccine dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vaccine dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vaccine hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.

Khi tiêm vaccine phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi (5 mũi), đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. 

Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Để phòng chống bệnh dại Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.

Các đơn vị y tế cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời đồng thời truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sở Y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: Tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vaccine phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.

Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vaccine phòng dại tại tuyến xã để tăng tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn